Từ "thảm kịch Halloween" ở Hàn Quốc:

Bài học cho công tác quản lý, tổ chức lễ hội

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thảm kịch Halloween” ở Hàn Quốc khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương là bài học đắt giá, phơi bày những lổ hổng trong chính sách kiểm soát đám đông của các quốc gia.

Với Việt Nam - đất nước có hơn 8.000 lễ hội, thảm kịch này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, tổ chức với sự kiện văn hóa, tín ngưỡng tập trung đông người. Đặc biệt trong bối cảnh, giới trẻ đang tiếp thu nhiều lễ hội, sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ nước ngoài.

Hồi chuông cảnh báo

Theo số liệu mới nhất của cơ quan thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, tính đến sáng 31/10, ít nhất 153 người thiệt mạng và 133 người khác bị thương do vụ giẫm đạp ở phường Itaewon. Ngay sau sự việc ở Intaewon, tại Ấn độ, 132 người thiệt mạng do sập cầu treo dành cho người đi bộ tại bang Gujarat. Tháng 10/2022, trong một trận thi đấu bóng đá ở Indonesia, 130 người thiệt mạng do giẫm đạp sau khi đội nhà bị thua.

Lễ hội phết Hiền Quan. Ảnh: Nam Nguyễn
Lễ hội phết Hiền Quan. Ảnh: Nam Nguyễn

Điểm chung của các vụ thảm họa này đều do tập trung quá đông người, lối di chuyển quá hẹp khiến nhiều người bị mắc kẹt, chèn ép, dẫn đến ngạt thở. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn đám đông khiến nhiều người xô đẩy, chen lấn để thoát ra ngoài nhưng hành động đó lại càng làm đám đông mắc kẹt lại, giẫm đạp lên nhau.

Nhìn lại các lễ hội, sự kiện tập trung đông người ở Việt Nam không hiếm. Mùa lễ hội tháng Giêng hàng năm thường xuyên diễn cảnh biển người chen chân đổ về các lễ hội lớn như: Hội chợ Viềng, lễ hội Bà Chúa Kho, lễ hội cướp phết Hiền Quan… Tham gia các lễ hội này, một số người đi hội đã phải chen lấn, xô đẩy và từng bị ngất, bầm tím hoặc xước xát chân tay.

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: "Mọi sự kiện trên 1.000 người đều tiềm ẩn những rủi ro. Nếu là một lễ hội trên 5.000 người thì nguy cơ thảm họa tiềm ẩn phải được dự trù một cách nghiêm túc. Ở Việt Nam chưa bao giờ được dự tính đến kế hoạch thoát hiểm khi xảy ra thảm họa. Không mấy chỗ có khái niệm “Crowd Safety” (an toàn đám đông) và có một kế hoạch rõ ràng về việc này".

Theo Tổng đạo diễn Monsoon Festival, cần phải có kế hoạch và bộ phận giám sát đến từng người trong đám đông để có thể điều phối trước khi nó trở nên hỗn loạn. Ngoài kế hoạch, cần những người có kinh nghiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời. Dừng lại hay tiếp tục sự kiện là một quyết định không được phép sai.

Đặc biệt không bao giờ nên sử dụng vũ lực can thiệp. Thảm họa chỉ xảy ra khi đám đông đó không còn vui vẻ, đây là mấu chốt của vấn đề. Nếu chuẩn bị kỹ các phương án dự phòng thì có thể sẽ không bao giờ phải dùng đến nhưng nếu không chuẩn bị thì tai họa có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Theo các chuyên gia, khi tổ chức sự kiện, lễ hội, Ban Tổ chức cần làm việc chuyên nghiệp và phải có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành hay các tổ chức. Cần phải có đơn vị chịu trách nhiệm để tạo ra sự phối hợp với tất cả các bên. Việc tổ chức lễ hội, sự kiện không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà nó liên quan đến cả giao thông vận tải, y tế, điện lực và an ninh…

Kiểm soát rủi ro

Tham gia các lễ hội, hoạt động văn hóa, giải trí ở Việt Nam có thể thấy, trong đám đông luôn có thành phần quá khích, vô ý thức dễ khiến đám đông hoảng hốt. Khi đám đông mất kiểm soát, không ai có thể quyết định đi đâu hoặc phản ứng như thế nào. Mật độ đám đông đạt đến mức nghiêm trọng thường xảy ra với tốc độ gia tăng và với tốc độ chậm đến mức mọi người không thể lường trước được thảm họa sắp xảy ra.

Nếu sự kiện ngày càng trở nên đông đúc thì cần ngăn không cho mọi người vào những không gian đó. Nhưng để làm được điều này, mỗi người cần có kiến ​​thức về mật độ đám đông và nguy cơ phát triển như thế nào trong những môi trường này. Việc ngăn chặn sự cố như vậy trong tương lai là do giáo dục và đào tạo.

Chuyên gia sơ cấp cứu người Australia Toney Coffey khuyên, người trẻ nên dành thời gian học chương trình đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu. “Khi đám đông xô đẩy từ phía sau, chúng ta phải đứng thẳng và cố gắng hết sức để không bị ngã. Hãy gập cánh tay lên trước ngực, cố gắng làm chậm nhịp thở…” - ông Toney Coffey đưa ra biện pháp bảo vệ bản thân khi mắc kẹt trong đám đông.

Ở góc độ văn hóa, chúng ta thấy rằng trong những năm vừa qua, các sự kiện trong đời sống văn hóa quốc tế tổ chức rất nhiều ở Việt Nam như: Giáng sinh, Valentine… Halloween cũng là sản phẩm văn hóa có nguồn gốc phương Tây được người Việt Nam tiếp nhận trong thời kỳ đổi mới nhưng không mang nặng tính nghi lễ như lễ hội gốc.

Nếu như với các quốc gia ở phương Tây, Halloween là ngày lễ dành riêng cho người đã khuất thì đối với người Việt, theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch mới là thời khắc để linh hồn người chết quay trở về. Halloween ở nước ta đơn giản là dịp để công chúng, đặc biệt là giới trẻ tổ chức các hoạt động hóa trang nhằm mục đích vui chơi giải trí, nổi bật là lễ hội hóa trang hay phong tục “trick or treat” (trẻ em trong trang phục Halloween di chuyển từ nhà này sang nhà khác để xin kẹo).

Theo các chuyên gia, trong quá trình tiếp nhận, công chúng cần hiểu giá trị văn hóa của lễ hội đó, thay vì bắt chước; nhìn một sự việc mà hiểu sai bản chất và khiến nó trở nên cực đoan. Đồng thời, các lễ hội, sự kiện cần được kiểm soát, có kế hoạch cụ thể ứng phó để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực.

 

"Nếu chúng ta ví quá trình mở cửa, quá trình hội nhập quốc tế là đón gió thì có cả cơn gió lành và cả cơn gió độc. Cách làm tốt nhất của chúng ta là đón được gió lành và hạn chế tối đa cơn gió độc.

Chúng ta phải thấy được tính tất yếu của việc các sự kiện quốc tế sẽ được tổ chức nhiều ở nước ta và thấy rằng đây là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, cần nhìn nhận để có sự chuẩn bị, những kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn." - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn

"Các địa phương khi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội phải có cam kết đảm bảo trật tự, an toàn bên cạnh các điều kiện khác. Hơn nữa, không chỉ riêng các lễ hội mà một số sự kiện và hoạt động tập trung đông người tại địa điểm công cộng cũng có thể xảy ra chen lấn, xô đẩy như Halloween ở Hàn Quốc. Lãnh đạo các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành rà soát, quy hoạch các hoạt động hằng năm để lên các phương án đảm bảo an toàn." - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL Ninh Thị Thu Hương