Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Lễ hội bơi Đăm - nơi bảo tồn văn hóa truyền thống mảnh đất nghìn năm văn hiến

Kinhtedothi - Từ xa xưa, dân gian đã truyền tụng nhiều câu ca dao nhắc đến hội bơi Đăm như “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” hay “Xù Gạ thì giỏi chăn tằm, làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền”; “Làng Đăm có hội bơi thuyền/Có lò đánh vật, có miền trồng hoa”.... Câu ca như lời nhắc nhớ mỗi người con làng Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dù công tác, làm việc hay học tập ở bất kỳ nơi đâu cũng luôn hướng về nguồn cội mỗi dịp tháng Ba về.

Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống

Trong tiết trời mát mẻ, những làn mưa Xuân nhè nhẹ, lất phất bay hòa vào từng dòng người với khăn áo chỉnh tề cùng khuôn mặt rạng ngời chung cảm xúc bồi hồi đổ về hành lễ hội bơi Đăm – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đất Thăng Long xưa vô cùng đông đúc. Dường như sự hài lòng của du khách về một lễ hội chuẩn mực, văn minh đã góp phần tạo nên không khí ấm áp, trọn vẹn hơn cho hành trình tâm linh về với mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Phấn khởi cùng con cháu dâng lễ cúng thánh tại lễ hội truyền thống bơi Đăm, bà Nguyễn Thị Tài (78 tuổi, phường Tây Tựu) chia sẻ: “Vốn là người làng Đăm, từ nhỏ đến bây giờ, không biết bao nhiêu lần, tôi được tham gia Lễ hội bơi Đăm. Nhưng mỗi lần lễ hội diễn ra, trong tôi lại lâng lâng, cảm xúc khó tả. Lễ hội bơi Đăm ngày càng hoành tráng, quy mô hơn với phần lễ trang nghiêm, phần hội hấp dẫn so với nhiều năm trước”.

Người dân Tây Tựu háo hức mong chờ lễ hội bơi Đăm truyền thống quê hương sau 7 năm vắng bóng.

Có lẽ, với chị Nguyễn Thị Hương – một người con sinh ra và lớn lên ở vùng làng Đăm (tên gọi quen thuộc hơn nhiều người biết là làng hoa Tây Tựu) ở ven ngoại thành Hà Nội cùng người dân địa phương luôn tự hào, háo hức mong chờ lễ hội truyền thống quê hương sau 7 năm vắng bóng.

““Check in” nhiều nơi ở Việt Nam nhưng không đâu và mong muốn nhất là “check in” ở làng Đăm nơi mình sinh ra. Tôi rất muốn lan tỏa, quảng bá, giới thiệu tới người dân về lễ hội truyền thống bơi Đăm của quê hương mình” – chị Hương chia sẻ.

Giờ khai hội vừa điểm, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên sôi động, vừa âm vang, vừa thanh thoát như thúc giục, níu kéo, gọi mời khiến lòng người thêm háo hức, hân hoan. Không khí Lễ hội bơi Đăm luôn ngập tràn sắc màu và âm thanh tạo nên một không gian lễ hội sôi động nhưng không kém phần trang trọng.

Trưởng ban di tích đình Đăm, quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Đăng Lân cho biết, từ bao đời nay, Lễ hội bơi Đăm mang một đặc điểm riêng biệt, độc đáo, đã in đậm trong tâm trí mỗi người dân trong vùng và Nhân dân Thủ đô. Nhiều hội làng có bơi chải nhưng phần lớn thuần tuý là trò đua tài, giải trí.

Còn ở hội Đăm, bơi chải đã diễn tả lại chiến thuật luyện tập và tiến công thủy quân của Đức Thánh Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương - vị tướng tài ba thời vua Hùng Duệ Vương thứ 18 đã có công bảo vệ bờ cõi, giữ gìn sự bình yên cho Nhân dân.

Hội bơi Đăm được tổ chức lớn 5 năm một lần trong 3 ngày (9, 10, 11/3 âm lịch).

Theo các cụ cao niên, hội làng Đăm có từ những năm 60 sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, luôn được Thánh Bạch Hạc Tam Giang hiển linh phù trợ. Vì thế, ngài được người dân ở đây tôn thờ là Thành hoàng làng. Lễ hội được tổ chức để thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức của ngài; đồng thời cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến năm 1994, làng Đăm không tổ chức Hội nhưng có một số lần khôi phục hội bơi vào những dịp quan trọng của Thủ đô và đất nước. Từ năm 1994 đến nay, lễ hội bơi Đăm được khôi phục lại và tổ chức ngày càng trang trọng, quy mô hơn.

Biến di sản thành tài sản, phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Hội bơi Đăm gắn liền với quần thể di tích đình - miếu Tây Tựu được tổ chức lớn 5 năm một lần trong 3 ngày (9, 10, 11/3 âm lịch) với nhiều nghi lễ tín ngưỡng trang trọng và các trò chơi dân gian đặc sắc như cờ người, đấu vật, thả chim, đua thuyền, trưng bày sản phẩm làng hoa Tây Tựu,...

Nhưng sôi động nhất, có lẽ vẫn là hội đua thuyền hay còn gọi là hội bơi Đăm diễn ra cả ngày 10/3 và sáng 11/3 âm lịch. Cuộc đua thuyền diễn ra trên khúc sông Thủy Giang (sông Pheo) chảy qua làng với sự tham gia của 6 thuyền đua thuộc 3 miền: Thượng, Trung, Hạ (mỗi miền 2 thuyền).

Lễ hội bơi Đăm năm 2025 (diễn ra từ ngày 6/4 đến 8/4 dương lịch).

Mỗi thuyền đua có 25 người gồm: 1 lái chính, 1 lái phụ, 1 ông nạng, 1 ông đánh mõ, 1 ông phất cờ, 1 người tát nước và 18 đô bơi ngồi dọc hai mạn thuyền. 6 thuyền bơi cũng được sơn màu đỏ và đánh số thứ tự từ 1 đến 6. Trang phục đội bơi từng miền cũng khác nhau: miền Thượng trang phục màu đỏ, miền Trung trang phục màu vàng, miền Hạ trang phục màu xanh. Mỗi màu mang một nét riêng rực rỡ, song vẫn hòa quyện cùng tạo nên không khí rực rỡ.

Trước cuộc đua, các đội đưa thuyền về tập kết tại điểm xuất phát trước cửa nhà Thủy tọa. Khi lá cờ lệnh được phát mạnh xuống, các thuyền cùng lúc lao lên phía trước hướng về Miếu Tây Tựu (cách đó 1km). Tiếng chiêng trống đổ dồn từng hồi, tiếng hô hào thúc giục và hò reo trên bến, dưới thuyền vang lên như sấm dậy. Các đô bơi gồng mình lên vung chèo khua nước nhanh thoăn thoắt và đều tăm tắp. Những mũi thuyền vươn mình xé nước rào rào. Cả một vùng trời đất như sôi động hẳn lên.

Ngoài ra, còn có thêm một thuyền thứ 7 gọi là thuyền quan làm nhiệm vụ giám sát cuộc đua. Thuyền giải Nhất vinh dự được chở ngai Thánh từ Thủy tọa về miếu Thượng.

Khác với các lễ hội bơi chải khác, công tác tuyển chọn trai bơi ở Lễ hội bơi Đăm khá khắt khe (trong độ tuổi từ 20-35) có kinh nghiệm, tư cách đạo đức tốt, khỏe mạnh, tâm huyết với lễ hội, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Thuyền viên Hà Công Thuỳ (30 tuổi, thôn 1, làng Đăm, Tây Tựu) phấn khởi chia sẻ: “Lễ hội bơi Đăm 2025 được tái hiện, thỏa lòng mong ước của trai làng Đăm sau nhiều năm vắng bóng. Với khí thế hừng hực, quyết tâm giành chiến thắng trên đường đua, chúng tôi cùng các đội bơi đã tập luyện chăm chỉ từ nhiều tháng nay”.

Trai làng Đăm căng mình bơi chải trong ngày hội lớn.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đoàn Mạnh Hùng, Lễ hội bơi Đăm đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, được người dân Tây Tựu bảo lưu, trao truyền liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Để ghi nhận những giá trị văn hóa truyền thống của đất Thăng Long xưa, năm 2018, hội bơi Đăm đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Không chỉ nổi tiếng với lễ hội bơi chải truyền thống, Tây Tựu còn nổi tiếng với nghề trồng hoa. Đây là nơi cung cấp nhiều loại hoa đẹp, chất lượng cho thị trường Thủ đô, trong nước và xuất khẩu sang các nước. Thật tự hào khi làng hoa Tây Tựu đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.

Việc tổ chức Lễ hội bơi Đăm năm 2025 (diễn ra từ ngày 6/4 đến 8/4 dương lịch) là dịp để dân làng bày tỏ tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn với tấm lòng biết ơn, cầu mong sự che chở, mong cho mùa màng bội thu, dân an, vật thịnh.

Đến với hội bơi Đăm, du khách còn hiểu thêm về truyền thuyết dân gian gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc, về một hội bơi chải mang tinh thần thượng võ, quyết liệt như một buổi luyện quân với những kỹ năng điêu luyện như cách búng thuyền, dóc thuyền, lạng thuyền, vuốt góc…

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho hay, toàn quận hiện có 135 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể; 29 lễ hội truyền thống và hàng nghìn di vật, cổ vật quý hiếm được lưu trữ tại các di tích. Trong đó, có Lễ hội bơi Đăm, là nơi gắn kết cộng đồng, lan tỏa niềm tự hào, còn là bản giao hưởng của sự đoàn kết của người dân Tây Tựu. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, Lễ hội Bơi Đăm truyền thống nói riêng, ngoài việc phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, Nhân dân đóng vai trò vô cùng quan trọng.

“Cấp ủy đảng, chính quyền, phòng, ban cần quan tâm xây dựng sản phẩm văn hóa đặc sắc, các tour tham quan gắn liền với các di sản văn hóa; chú trọng bảo tồn di tích lịch sử và kiến trúc văn hóa, phục dựng các lễ hội truyền thống… Các đơn vị xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá; liên kết, hợp tác và xây dựng chuỗi giá trị di sản… từ đó biến các di sản thành tài sản, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của địa phương” - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên nhấn mạnh.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Để Lễ hội bơi Đăm diễn ra an toàn, tiết kiệm và phù hợp với truyền thống dân tộc, phường Tây Tựu đã bố trí, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, bãi trông giữ xe gọn gàng, khoa học, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Đặc biệt, phường đã huy động các lực lượng tham gia, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và an toàn; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, chặt chém giá cả hàng hóa dịch vụ... diễn ra trong lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đoàn Mạnh Hùng

Rộn ràng trước ngày chính hội bơi Đăm

Rộn ràng trước ngày chính hội bơi Đăm

Đặc sắc Lễ hội bơi Đăm truyền thống

Đặc sắc Lễ hội bơi Đăm truyền thống

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng Lễ hội Tiên La

Rộn ràng Lễ hội Tiên La

07 Apr, 08:35 PM

Kinhtedothi - Từ ngày 7 đến 11/4/2025 (tức ngày 10 đến 14/3 âm lịch), Lễ hội Tiên La - một trong những lễ hội truyền thống lớn của tỉnh Thái Bình - chính thức diễn ra tại cụm di tích đền Tiên La, xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà. Lễ hội tưởng niệm 1.982 năm ngày mất của Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục - nữ danh tướng thời Hai Bà Trưng.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ