Rộn ràng trước ngày chính hội bơi Đăm
Kinhtedothi - “Làng Đăm có hội bơi thuyền/Có lò đánh vật, có miền trồng hoa”. Cứ 5 năm một lần, vào dịp tháng 3 (Âm lịch), những người con làng Đăm cũng như du khách gần xa lại nô nức về phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm để tham dự lễ hội bơi Đăm truyền thống.

Lễ hội bơi Đăm là nét đẹp văn hóa truyền thống, độc đáo, niềm tự hào của người dân Tây Tựu, diễn ra từ mùng 9 - 11/3 Âm lịch, gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu. Những ngày qua, các đội thi đã tích cực tập luyện để tham gia thi vào ngày chính hội.

Đây là một lễ hội cổ, được dân làng Đăm bảo vệ và duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Năm 2018, lễ hội bơi Đăm truyền thống được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói chung, phường Tây Tựu nói riêng.

Lễ hội bơi Đăm vừa là một nghi lễ, vừa là một hình thức rèn luyện sức khỏe và mang tính nghệ thuật cao.

Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ Thành hoàng làng Bạch Hạc Tam Giang – vị thần được cho là che chở và ban phước cho dân làng trong việc cày cấy, làm ăn.

Lễ hội bơi Đăm không chỉ là nơi gắn kết cộng đồng, lan tỏa niềm tự hào, còn là bản giao hưởng của sự đoàn kết của người dân Tây Tựu.

Hội thi bơi ghi nhận tinh thần đồng đội, sự cổ vũ nhiệt tình của người dân Tây Tựu dành cho các đội thi.

3 màu chính trong lễ hội: xanh - đỏ - vàng, thể hiện sự riêng biệt của 3 thôn. Mỗi màu mang một nét riêng rực rỡ, song vẫn hòa quyện cùng tạo nên không khí rộn ràng, sôi động.

Trai làng Đăm căng mình luyện đua thuyền trước ngày hội lớn

Với quyết tâm cao độ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều tháng qua, các vận động viên mang trong mình khát khao chiến thắng, sẵn sàng bùng nổ trên đường đua.

Việc tuyển trai bơi hết sức cẩn thận: có thể lực, tư cách đạo đức tốt, có tâm huyết với lễ hội, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Giữa lúc không khí lễ hội đang đến gần, cả chính quyền và Nhân dân địa phương đều không khỏi lo lắng do tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của nguồn nước sông Pheo – nơi sẽ diễn ra cuộc thi bơi.

Để cải thiện chất lượng nước sông Pheo, phường Tây Tựu đã tham mưu, đề xuất quận Bắc Từ Liêm phối hợp với 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức cùng Xí nghiệp Thủy lợi Đan Hoài đã cấp nước phục vụ lễ hội hạ thuyền và tập bơi. Với những nỗ lực, khắc phục thay nước từ 2 - 3 ngày/lần, chất lượng cuộc thi bơi phục vụ lễ hội vẫn được đảm bảo.

Dòng người cuồng nhiệt đổ về hai bên bờ sông Pheo để cổ vũ cho các tay chèo.

Những tiếng hò reo vang vọng cả một vùng, những lá cờ tung bay phấp phới cùng những hình ảnh hóa trang độc đáo, góp phần tạo nên một không khí lễ hội sôi động và khó quên.

Trở lại sau 7 năm vắng bóng, lễ hội bơi làng Đăm đã làm sôi động cả vùng. Màn múa rồng gây ấn tượng cho nhiều du khách thập phương và quốc tế.

Các tiết mục văn nghệ sôi động với những bộ trang phục mang đậm chất truyền thống.

Lễ hội bơi Đăm truyền thống là dịp để phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm giới thiệu, quảng bá tốt hơn về giá trị của các lễ hội, di tích trên địa bàn.

Hà Nội: nước sông ô nhiễm nặng, Lễ hội bơi Đăm bị đe dọa
Kinhtedothi - Một trong những hội thi bơi nổi tiếng nhất Hà Thành, được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia đang đứng trước nguy cơ không thể diễn ra do nguồn nước sông ô nhiễm nghiêm trọng. Chuyện tưởng chỉ có trong tiểu thuyết này lại đang diễn ra tại Hà Nội.

Lan tỏa nếp sống văn minh tại quận Bắc Từ Liêm
Kinhtedothi - Thời gian qua, việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Lễ hội Phủ Dầy 2025: tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu
Kinhtedothi - Lễ hội Phủ Dầy là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.