Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học chống nắng nóng chết người ở một thành phố nghèo

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các TP được xem là “tuyến phòng thủ” đầu tiên trong cuộc chiến chống lại sức nóng chết người bởi sóng nhiệt.

Tìm câu trả lời cho tương lai sẽ còn nóng hơn

Đến lúc này, người dân Ahmedabad, miền Tây Ấn Độ, vẫn chưa thôi ám ảnh khi nghĩ về đợt nắng nóng kỷ lục từng thiếu đốt TP này hồi năm 2010.

Thời điểm đó, khi nhiệt độ thực tế tại đây vượt quá 46oC, việc ở yên trong nhà cũng là một cực hình bởi hệ thống thông gió kém, tường xi-măng và mái tôn khiến không khí trong nhà còn nóng bức hơn cả ngoài trời.

Tháng 5 năm đó, một cơn bão di chuyển chậm khiến không khí trước gió mùa ở Ahmedabad thậm chí còn nóng hơn bình thường. Hơn 1.300 người đã chết trên toàn Ấn Độ, các bệnh viện quá tải và một hiện tượng chưa từng xảy ra nữa là 400 con dơi đã chết vì nóng. Quá nhiều cây xanh đã bị đốn hạ khi các TP mở rộng nên người dân không còn nhiều bóng mát, không khí cũng khó được làm mát hơn.

Lớp sơn phản xạ nhiệt trên các mái tôn ở TP Ahmedabad giúp nhiệt độ bên trong những ngôi nhà trở nên dễ chịu hơn vào ban ngày. Ảnh: Bloomberg
Lớp sơn phản xạ nhiệt trên các mái tôn ở TP Ahmedabad giúp nhiệt độ bên trong những ngôi nhà trở nên dễ chịu hơn vào ban ngày. Ảnh: Bloomberg

“Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh” - Abhiyant Tiwari, một chuyên gia về khí hậu và sức khỏe cộng đồng, người đã tư vấn cho chính quyền TP Ahmedabad vào thời điểm đó, nói - “Chúng tôi quyết định sẽ phải giải quyết vấn đề nhiệt độ tăng cao để trong tương lai, nếu nó xảy ra lần nữa, chúng tôi đã được chuẩn bị sẵn sàng”.

Kể từ đó, hơn một thập kỷ đã trôi qua, biến đổi khí hậu khiến nắng nóng theo mùa ngày một trở nên gay gắt và dai dẳng hơn. Nhưng Ahmedabad thực sự đã học được cách đối phó tốt hơn. Những cư dân của TP giờ đã hiểu sóng nhiệt là gì và những rủi ro mà nó gây ra, nhưng quan trọng hơn cả là họ có cách để giảm thiểu tác động của nắng nóng.

Theo lời khuyên của Hiệp hội Phụ nữ Tự làm chủ (SEWA), Kunwar ben Chauhan đã phủ sơn làm mát lên mái tôn nhà cô ở Ahmedabad. Giờ đây, nhiệt độ bên trong nhà vào ban ngày đã dễ chịu hơn nên các con cô có thể ở nhà tránh nắng, và thức ăn dự trữ của gia đình không còn dễ bị hỏng như trước.

Nhưng khi nhiệt độ tăng cao, những người phụ nữ như Chauhan vẫn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: ở nhà và mất một ngày thu nhập, hay bất chấp nguy hiểm để kiếm sống?

Kathy Baughman McLeod - Giám đốc Trung tâm phục hồi của Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller, tổ chức hỗ trợ tài chính cho SEWA, cho biết: “Các lao động nữ thường bị phồng rộp trên tay do cầm các dụng cụ đang nóng bỏng, đau đầu, nhiễm trùng đường tiết niệu và sảy thai. Nhiệm vụ quan trọng là phải bảo vệ sức khỏe của họ, để họ có thể bảo vệ thu nhập của mình”.

Trung tâm hiện đang chi trả phí bảo hiểm cho phụ nữ nên các lao động nữ tại Ahmedabad chỉ phải đóng góp khoảng 1 USD mang tính tượng trưng cho chương trình, để đủ điều kiện nhận khoản thanh toán 85 USD khi nhiệt độ tăng cao trong 3 ngày liên tiếp. Những công nhân này hiện kiếm được trung bình 3USD/ngày.

Baughman Mcleod cho biết thêm rằng tổ chức của cô đã phát triển một phép tính đo lường tác động của nắng nóng, trong đó xem xét nhiều số liệu hơn như nhiệt độ ban đêm, độ che phủ của mây và mức độ ô nhiễm không khí.

Những sáng kiến độc lập do các tập thể địa phương như SEWA điều hành là một phần quan trọng trong câu chuyện thích ứng khí hậu của Ahmedabad, nhưng chính cách tiếp cận phối hợp của TP được tin mới thực sự là chìa khóa để cắt giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt. Trên thực tế, điều đó không hề dễ dàng.

Chuyên gia Tiwari cho biết sau đợt nắng nóng năm 2010, giới chức ở Ahmedabad đã tìm cách áp dụng các chiến lược thích ứng thành công từ nhiều nước đang phát triển khác, nhưng nhận thấy rằng không có chiến lược nào khả thi. Vì vậy, họ đã nghiên cứu những gì TP Chicago, bang Illinois, Mỹ, đã làm sau đợt nắng nóng năm 1995 từng khiến 739 người thiệt mạng. Họ cũng xem xét phản ứng của châu Âu đối với đợt nắng nóng đã gây ra ít nhất 30.000 ca tử vong vào năm 2003.

Và câu trả lời là Ahmedabad, cũng như mọi TP đang là nạn nhân của sóng nhiệt hằng năm, cần đưa ra một hệ thống cảnh báo sớm nhằm báo động cho người dân, đồng thời kích hoạt phản ứng khẩn cấp một cách phối hợp trong toàn bộ cơ quan hành chính công.

Cả bộ máy hành động vì từng sinh mạng người dân

Năm 2013, Ahmedabad đã trở thành TP Nam Á đầu tiên triển khai Kế hoạch hành động vì nhiệt. Thách thức đầu tiên đối với các nhà lãnh đạo địa phương là thuyết phục công chúng rằng nắng nóng thực sự là một thảm họa.

Ông Tiwari, hiện đang giám sát các sáng kiến về nhiệt ở Ấn Độ cho Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, giải thích: “Không giống như ở Mỹ hay châu Âu, nắng nóng thường không được coi là một thảm họa ở đây (Ấn Độ). Vốn là một quốc gia nhiệt đới, người dân nơi đây có quan niệm sai lầm rằng "chúng tôi đã quen với cái nóng", rằng "nó không thể ảnh hưởng đến chúng tôi”.

Rào cản tiếp theo là truyền thông điệp đến những cộng đồng nghèo hơn - những người phải chịu đựng nhiều nhất dưới cái nóng khắc nghiệt. Chính quyền TP đã gửi cảnh báo nhiệt bằng SMS và ứng dụng tin nhắn WhatsApp, đồng thời đưa ra các thông cáo báo chí và trên biển quảng cáo, nhưng những người dễ bị tổn thương nhất ở Ahmedabad thường lại là những người mù chữ.

Vì vậy, các nhà chức trách đã mời các nhân viên y tế, lãnh đạo cộng đồng và thậm chí người dẫn chương trình phát thanh để truyền đạt các cảnh báo thời tiết cùng lời khuyên để mọi người biết cách giữ mát.

Ngoài ra, một hệ thống cảnh báo mã màu cũng tỏ ra là một vũ khí hiệu quả của Ahmedabad trong cuộc chiến với cái nóng. Màu vàng có nghĩa là dự báo sẽ có một ngày nóng, từ 41 - 43oC, trong khi màu cam biểu thị nhiệt độ từ 43,1 - 44,9oC. Màu đỏ là mức cao nhất, dành cho những ngày nóng trên 45oC.

Vào ngày Vàng, các bệnh viện, trường học và các nhóm chuyên nghiệp có nhiệm vụ phân phát các tờ rơi hướng dẫn các mẹo để ngăn ngừa sốc nhiệt. Các quan chức giao thông vận tải lắp đặt quạt và mái che tại các trạm xe lửa và xe buýt, đồng thời phân phát nước uống.

Những hành động này sẽ được gia tăng và nâng cấp khi mức nhiệt tăng lên. Vào ngày Đỏ, các ngôi đền, tòa nhà công cộng và trung tâm mua sắm được biến thành trung tâm trú ẩn làm mát, nơi mà mọi người có thể tới hạ nhiệt bằng điều hòa không khí và tiếp nước.

Các bệnh viện thành lập sẵn các khoa với đội ngũ nhân viên được đào tạo để điều trị say nắng, chuột rút, mất nước và viêm da. Công nhân ngoài trời được thay đổi giờ làm để tránh thời điểm nóng nhất trong ngày...

Sự phối hợp, chung sức đó thực sự mang lại kết quả cụ thể. Theo cơ quan y tế Ahmedabad, trước khi kế hoạch hành động có hiệu lực, số người chết trung bình của TP trong tháng 5 và tháng 6 cao hơn 20 - 30% so với thời gian còn lại trong năm.

Trong khi Ấn Độ không có dữ liệu toàn diện về nguyên nhân tử vong, 5 bệnh viện chính của Ahmedabad đã ghi nhận 65 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng và 274 trường hợp say nắng trong đợt nhiệt kỷ lục 2010. Mùa nóng năm nay, chỉ có 46 trường hợp say nắng và không có trường hợp tử vong vì nhiệt nào được ghi nhận ở TP cho đến lúc này.

Câu chuyện của Ahmedabad là minh chứng cho thấy có bao nhiêu mạng sống có thể được cứu bằng cách lập kế hoạch trước, ngay cả khi nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần trong cuộc chiến mà quốc gia đông dân nhất thế giới cần tiến hành chống lại cái nóng như thiêu đốt.