Bài học còn nguyên giá trị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 5/8/1964 không chỉ đi vào lịch sử quân sự nước ta với tư cách là ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn cho thấy phần thắng trong một cuộc chiến chưa chắc đã thuộc về kẻ mạnh.

Dù phải đối mặt với lực lượng lớn mạnh hơn gấp nhiều lần như Hải quân Mỹ nhưng với ý chí quyết tâm, Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn giành được chiến thắng cuối cùng.

Ngày 2/8/1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ khi liều lĩnh xâm phạm lãnh hải miền Bắc Tổ quốc đã bị phân đội 3, Đoàn 135 Hải quân dũng cảm, mưu trí đánh đuổi ra khỏi vùng biển nước ta. Hai ngày sau, ngày 4/8/1964, Washington đã dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" vu cáo Hải quân Việt Nam cố ý tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế và phát động một cuộc chiến toàn diện vào miền Bắc. Tuy nhiên, trong báo cáo dày gần 500 trang với tựa đề "Biệt kích trong bóng tối" được công bố năm 2008 đã khẳng định những tình tiết mà Washington dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc bộ" là hoàn toàn bịa đặt. Lời thú nhận này cho thấy những toan tính và hành động dựa trên các chứng cứ được "thêu dệt" đã gây ra những hậu họa khôn lường. Cuộc chiến trên biển đã biến thành cuộc chiến kéo dài nhiều năm trên đất liền, gây ra những thiệt hại lớn về người, của cho cả hai bên. "Sự kiện Vịnh Bắc bộ" cũng là lời cảnh tỉnh đối với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới có những tuyên bố và hành động gây mất lòng tin trong các mối quan hệ quốc tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đi thăm các hòn đảo của Tổ quốc, thăm lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và để lại nhiều di huấn đề cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Hơn năm mươi năm đã trôi qua, lời Bác căn dặn: "Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó… phải yêu đảo như nhà mình, phải chịu khó cải tạo, xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước" vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong bối cảnh Biển Đông đang "dậy sóng" vì những tuyên bố tranh chấp chủ quyền và các hành động leo thang căng thẳng trên biển, hơn lúc nào hết chúng ta phải hiểu vai trò của biển, việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo có vai trò hết sức quan trọng đối với đất nước có tới 27/63 tỉnh, thành có biển với hơn 3.200 km bờ biển như Việt Nam. Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Hội nghị T.Ư 4 (khóa X) đã nhấn mạnh: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, trên biển, đảo… Trong một bước đi nhằm hiện thức hóa di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến lược biển Việt Nam, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam - văn bản pháp lý quan trọng giúp chúng ta đấu tranh với những tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

48 năm đã trôi qua kể từ khi Hải quân nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu nhưng bài học về tinh thần cảnh giác, ý chí quyết thắng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị.