Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học đắt giá về tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình trường THPT Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội) tổ chức cho học sinh (HS) đi trải nghiệm đã xảy ra sự cố khiến 1 em bị tử vong, 2 em bị thương nặng. Đây là bài học đắt giá trong việc nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt là các chuyến đi xa.

Trò chơi tàu lượn siêu tốc tại khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh - nơi 3 học sinh bị tai nạn khi tham gia chơi. Ảnh: Internet
3 học sinh bị tai nạn khi tham gia trò chơi mạo hiểm
Trước khi tổ chức hoạt động tham quan, ngoại khóa giáo dục truyền thống cho học sinh khối 10 và 11, trường THPT Đông Anh đã tiến hành họp với Ban đại diện Cha mẹ HS. Ngày 28/12/2020, trường THPT Đông Anh có tờ trình gửi Sở GD&ĐT Hà Nội và được phê duyệt hoạt động tham quan ngoại khóa cho HS năm học 2020 – 2021 tại 2 địa điểm là Đền thờ Hai Bà Trưng và Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (tỉnh Phú Thọ). Trường THPT Đông Anh đã ký hợp đồng với Công ty CP Du lịch Hùng Vương và ngày 14/1/2021 tổ chức cho 899/945 HS lớp 10 và 11 tự nguyện đăng ký tham gia đi trải nghiệm sáng tạo tại 2 điểm trên. Đi cùng với HS có đại diện Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm.

Tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh đã xảy ra sự việc đáng tiếc. Sau khi ăn trưa, một nhóm HS lớp 11A2 tham gia trò chơi Tàu lượn siêu tốc. Trong quá trình vận hành có 2 toa tàu cuối bị văng ra khỏi đường ray rơi xuống đất ở độ cao 2,5m. HS L.Tr.A. tử vong, 2 HS Ng.P.L. và Ng.P.H. bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ngay khi sự việc xảy ra, trường THPT Đông Anh đã báo cáo phòng GD&ĐT huyện Đông Anh. Theo đó, trong thời gian này, nhà trường tiếp tục phối hợp cùng gia đình và các bên liên quan chăm sóc tốt cho em H. và P. và phối hợp với các bên liên quan thực hiện đầy đủ các quyền lợi, chế độ cho HS. Hiệu trưởng trường THPT Đông Anh Phan Thị Hiền cho rằng, sự cố xảy ra là ngoài ý muốn, dù công tác chuẩn bị cho buổi trải nghiệm rất chu đáo và cẩn thận. Sau sự cố, nhà trường đã chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân; cử giáo viên ở bệnh viện chăm sóc 2 HS bị thương. Bà Hiền cũng nhận trách nhiệm về vụ việc xảy ra. Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội đã báo cáo sự việc với UBND TP Hà Nội và yêu cầu các nhà trường rà soát công tác tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho HS. Việc tổ chức phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để HS tham gia các trò chơi mạo hiểm, đồng thời tăng cường quản lý HS trong thời gian tổ chức các hoạt động.

An toàn cho học sinh phải đặt lên hàng đầu

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, với vai trò là chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Các khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Năm nay có một số cẩm nang về an toàn trường học được đưa vào nhà trường. Theo tôi, cẩm nang này phải được giới thiệu đến tay cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên cốt cán của nhà trường vì đề cập đến tất cả những hạng mục có nguy cơ mất an toàn đối với HS, kể cả việc đưa HS đến trường, những tình huống có thể xảy ra khi đi tham quan”.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị ý kiến một hiệu trưởng bày tỏ, về phía nhà trường tổ chức cho HS đi phải lường trước được những tình huống có thể xảy ra để quyết định có cho HS tham gia hay không. Trường THPT Đông Anh không nên phân bua, cho rằng, danh mục trò chơi được in trong vé vào cửa, các em sẽ chủ động lựa chọn theo sở thích... “Bây giờ việc học trải nghiệm của HS bị biến tướng thành đi chơi, tham quan nhiều quá và thực sự nguy hiểm khi các em chơi trò mạo hiểm. Những trò mạo hiểm lại phụ thuộc vào tính an toàn của hệ thống máy móc và lương tâm của người làm thiết bị đồ chơi cũng như người tổ chức sân chơi. Hơn nữa, các hoạt động trải nghiệm là rèn kỹ năng, chơi trò mạo hiểm không rèn kỹ năng gì” – TS Vũ Thu Hương – Chuyên gia giáo dục nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra đó là từ sự cố xảy ra đối với trường THPT Đông Anh, Sở GD&ĐT Hà Nội rút kinh nghiệm gì trong việc phê duyệt tổ chức hoạt động tham quan ngoại khóa. Bởi đây không phải là sự cố đầu tiên liên quan đến hoạt động tham quan của HS, trước đó năm 2014, tại nơi này đã có 6 HS bị thương khi chơi trò đu quay, chẳng lẽ đã lãng quên?
Trước hết phải xây dựng mục tiêu rất rõ ràng và đưa ra các thử thách dành cho HS. Sau đó, nhà trường yêu cầu HS xây dựng kế hoạch (bởi lứa tuổi HS THPT rất cần phải có kinh nghiệm tổ chức cho tương lai của mình) và thực hiện theo sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm. Một vấn đề nhà trường không thể bỏ qua, đó là tiền trạm trước khi tổ chức cho HS đi trải nghiệm để xem ở đó có thể tổ chức được những hoạt động gì, mức độ an toàn của thiết bị, đồ dùng đối với HS ra sao...

TS Vũ Thu Hương