Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học đau lòng!

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/2 vừa qua, tại tuyến đường thủy từ Cù Lao Chàm - Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do ca nô mang biển kiểm soát QNa 152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông chở khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm bị lật.

Ca nô của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông chở khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm bị lật.  
Ca nô của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông chở khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm bị lật.  

Vụ tai nạn khiến 15 người tử vong, 2 người mất tích. Càng đau xót hơn khi 2 nạn nhân mất tích đều là trẻ em. Khi tai nạn xảy ra cả 2 đều không mặc áo phao nên công tác tìm kiếm đã khó càng thêm khó. Sau bất cứ vụ tai nạn giao thông nào, việc phân tích, mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân luôn là điều được nói đến đầu tiên. Vụ lật ca nô ở Quảng Nam cũng không phải ngoại lệ.

Đến thời điểm này, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Các thông số về phương tiện và người lái đều cho thấy trong phạm vi cho phép. Cụ thể, tàu QNa-1152 là tàu cao tốc chở khách, được đóng năm 2016. Chủ phương tiện theo đăng ký là Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông (phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam), có tổng công suất máy 400CV, được hoạt động trong vùng pha sông biển (SB).

Phương tiện có chiều dài lớn nhất 10,33m, rộng 2,45m và chiều cao mạn lớn nhất 1,54m; được chở 35 người và trọng tải toàn phần 4,1 tấn. Phương tiện được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm định kỳ lần gần nhất vào ngày 19/1/2022 và có thời hạn đến 19/1/2023. Thuyền trưởng và các thuyền viên cũng đáp ứng đủ điều kiện về chuyên môn và bằng cấp theo quy định.

Vậy đâu mới là nguyên nhân gây ra tai nạn? Chắc chắn câu hỏi này sẽ được các cơ quan chức năng trả lời một cách đầy đủ và chính xác trong thời gian tới. Việc tìm ra nguyên nhân sẽ là cơ sở để áp dụng chế tài xử phạt với những người có trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là từ nguyên nhân vụ tai nạn đó để chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp phòng ngừa những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra. Đây mới là vấn đề cốt lõi. Bởi một khi tai nạn đã xảy ra, dù nặng hay nhẹ cũng để lại những hậu quả nhất định. Tai nạn càng nghiêm trọng hậu quả càng khủng khiếp. Thậm chí, với tai nạn giao thông, hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nạn nhân, đến thân nhân người bị nạn mà đến cả cộng đồng.

Khách quan mà nói, công tác quản lý phương tiện thủy trong thời gian qua đã được quan tâm hơn và siết chặt hơn nhưng vẫn còn đó không ít lỗ hổng. Những vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho vấn đề này. Những con số thống kê không hề biết nói dối và cũng chính nó sẽ là thước đo chuẩn mực nhất để đánh giá công tác quản lý phương tiện thủy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy có tốt hay không. Sau vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra ở Quảng Nam, chắc chắn công tác quản lý phương tiện thủy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy sẽ lại được nói đến, thậm chí là nói đến rất nhiều trong một thời gian.

Các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, các địa phương sẽ tổ chức những đợt ra quân kiểm tra, rà soát và siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn... Đây là điều vẫn thường diễn ra khi xảy ra những vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng trước đây. Tuy nhiên, sau đó những vụ tai nạn tương tự vẫn cứ xảy ra… Đây mới là vấn đề cần phải sớm ngăn chặn!