Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, một sự kiện quan trọng được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia: Lễ kỷ niệm trọng thể 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức.

Sự kiện quan trọng này diễn ra vào lúc các cấp ủy Đảng, chính quyền đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và những Nghị quyết liên quan trước đó. Sự trùng hợp trên gợi nhớ những ngày cách đây đúng 10 năm, Hà Nội cũng đang đứng trước nhiệm vụ giải bài toán tương tự mà bài học kinh nghiệm đã tiếp tục được thực hiện, phát huy để Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 18 đề ra. Có thể nói, những bài học kinh nghiệm khi đó hoàn toàn vẫn giữ nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay.

Nhớ lại những ngày cách đây 10 năm, có thể nói cả một núi công việc cần giải quyết để thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, mà lúc đó, hay nói một cách ngắn gọn là công tác Hợp nhất. Việc nào cũng quan trọng, cũng cần kíp phải giải quyết, song có lẽ công việc quan trọng, cấp bách nhất là bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

Sau khi hợp nhất, đội ngũ cán bộ công chức của Hà Nội lên tới hơn 100.000 người. Riêng cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý cũng tới 1.000 người. Đã vậy, chất lượng, trình độ cán bộ không đồng đều, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, Hà Nội xác định sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ quan trọng nhất. Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc cán bộ trong Thường trực Thành ủy và Tỉnh ủy khi hợp nhất do TƯ sắp xếp và bố trí; cán bộ trong Ban Thường vụ Thành ủy đến các sở ngành do Thành ủy sắp xếp, bố trí theo hướng một trưởng giữ nguyên, một xuống làm phó hoặc điều động sang nhận nhiệm vụ khác.

Ông Nguyễn Công Soái - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhớ lại: “Việc này sẽ động chạm đến tư tưởng của hàng trăm con người. Một việc lớn, quan trọng như vậy ở thời điểm đó, nhưng cũng không có hướng dẫn bước đi, cách làm từ TƯ. Cán bộ được điều chuyển sang làm nhiệm vụ khác hoặc xuống làm phó cũng có tâm tư. Nhưng vì cách làm của Thành ủy là chủ động, công khai, dân chủ và vì việc chung, nên đã phần nào giải tỏa được tâm tư của cán bộ. Việc sắp xếp hàng nghìn cán bộ như thế nhưng không có đơn thư khiếu nại lên TƯ và TP”.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân thành công của việc sắp xếp bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ thời điểm đó của Hà Nội là làm tốt công tác tư tưởng trên cơ sở cách làm chủ động, công khai, dân chủ. Một khi tư tưởng đã thông suốt, mọi việc được thực hiện công khai, dân chủ, thì mỗi cán bộ dẫu có tâm tư cũng sẽ vượt lên chính mình và như lời ông Nguyễn Công Soái nhận xét: “Vượt lên tất cả với sự tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau, nên các tầng lớp cán bộ, công chức đã cùng chung tay xây dựng Thủ đô mở rộng có kết quả như ngày hôm nay”. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm quý báu mà Hà Nội rút ra khi đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Phong - Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã khẳng định: “Bài học đầu tiên là phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hợp tác để giải quyết công việc chung. Sáu từ “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” đã được Ban Chấp hành Đảng bộ 2 tỉnh/thành ngay sau khi hợp nhất thống nhất lựa chọn, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện Nghị quyết của T.Ư, triển khai thực hiện khối lượng công việc đồ sộ ngay khi hợp nhất. Có những công việc rất phức tạp, kể cả thực hiện khi chưa có sự hợp nhất đã phức tạp, như sắp xếp tổ chức bộ máy với yêu cầu đi vào hoạt động ngay, không để gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cả hệ thống".

Minh chứng cho nhận định này chính là thực tế hợp nhất ở phần lớn các cơ quan, đơn vị, sở, ngành trực thuộc TP. Để sau thời điểm đó, bộ máy mới đi vào hoạt động một cách đoàn kết, thông suốt về tư tưởng, “tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau” đúng như lời ông Soái nói.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được, trước tình hình nhiệm vụ hiện nay, có thể nói bài học kinh nghiệm về thực hiện công tác sắp xếp bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ của Hà Nội thời điểm 10 năm trước vẫn còn nguyên giá trị, cần được phát huy trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 6, khóa XII hiện tại.

L.Q