Bài học phát triển công nghiệp văn hóa ở Huế

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Huế là nơi có nhiều thế mạnh về di sản và là trung tâm văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như miền Trung, vì vậy kinh tế văn hóa giữ một vị trí quan trọng.

Trình diễn áo dài tại Cung đình Huế.
Trình diễn áo dài tại Cung đình Huế.

Do có nguồn tài nguyên và di sản văn hóa phong phú và đa dạng, du lịch văn hóa chính là một nguồn thu đáng kể và tạo việc làm cho người dân TP, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, phát triển kinh tế bền vững và bao trùm tất cả là góp phần xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm tốt cho người dân địa phương.

Số liệu thống kê cho thấy, lao động văn hóa ở TP Huế chiếm 7,6% tổng số lao động, chủ yếu dựa trên ngành công nghiệp dệt may và tiếp đến là mộc, mỹ nghệ. Một trong những lý do quan trọng là từ năm 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã định hướng xây dựng TP Huế trở thành trung tâm dệt may miền Trung; người Huế cũng nổi tiếng về sự tỉ mỉ, khéo tay.

Mặc dù vậy, Huế chưa đầu tư nguồn nhân lực có chất lượng cao để nghiên cứu, thiết kế và cho ra những sản phẩm chất lượng, đặc trưng. Hay nói cách khác, công nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu văn hóa thẩm mỹ ở Huế thiên nhiều hơn về phía công nghiệp với các sản phẩm thời trang, mỹ nghệ được sản xuất hàng loạt mà ít chú ý đến những sản phẩm có bản sắc, có giá trị gia tăng cao.

Vốn từng biết đến là nơi hội tụ tinh hoa các nghề thủ công truyền thống của cả nước, Huế cần một chính sách mang tính đột phá nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng sẵn có của mình mà một trong những chính sách quan trọng là phát hiện, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Ngoài ra, để bắt kịp với xu hướng hiện nay, TP Huế cần phát triển hơn nữa nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao, nhất là trong bối cảnh Huế đang định hướng để chuyển dịch kinh tế theo hướng lấy công nghiệp công nghệ thông tin, sáng tạo số làm động lực cho sự phát triển và đổi mới.

Theo TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế: Nhận thức về kinh tế và văn hóa sáng tạo ở TP Huế vẫn chưa thực sự sâu sắc. Sự đóng góp của văn hóa thường được quan niệm là ngành dịch vụ công, không được tính toán vào giá trị tăng thêm; các ngành CNVH không được xem là một ngành độc lập.

Chính quan niệm này khiến cho việc đánh giá đóng góp của văn hóa đối với kinh tế địa phương thiếu đầy đủ. Sự đầu tư cho văn hóa, theo đó, còn nặng tính bao cấp mà chưa chú ý đến hiệu quả kinh tế. Trên thực tế, văn hóa có thể thúc đẩy nền kinh tế trở nên bền vững hơn, đặc biệt trong việc tạo ra thu nhập và việc làm, cũng như kích thích doanh thu thông qua hàng hóa, dịch vụ và DN văn hóa.

Vì vậy, TP Huế cần chú trọng hơn nữa việc chuẩn bị nguồn nhân lực, thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động và các DN văn hóa/ DN sáng tạo, nhất là những DN vừa và nhỏ là cơ sở quan trọng để Huế có thể phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có; để trở thành một TP văn hóa, TP sáng tạo đúng nghĩa trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần