Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học sử dụng nhân tài của Bác vẫn còn nguyên giá trị

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trọng dụng người tài, phát huy hiệu quả đức độ, tài năng của các nhân sĩ, trí thức tham gia cách mạng, kháng chiến và kiến thiết đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, năm 1957. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, năm 1957. Ảnh tư liệu

Sự trân trọng và khéo dùng người tài của Bác thể hiện ở hai điểm: thứ nhất, xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước có nhiều hiền tài, có khả năng tập hợp, đoàn kết dân chúng. Thứ hai, dùng tâm thành để cuốn hút mọi người có tài năng ra giúp nước, đặt việc phù hợp với khả năng của họ, không phân biệt giai cấp, không thành kiến quá khứ.

Bác thành lập Đảng để cứu nước chứ không phải để giành quyền lãnh đạo

Ngày 26/8/1945, trong phiên họp Thường vụ T.Ư do Bác Hồ chủ trì đã ra một quyết định lịch sử thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc và coi trọng hiền tài: “Thành lập ngay một Chính phủ lâm thời gồm những bậc danh tiếng tiêu biểu đủ các giới đồng bào trong cả nước”. Bác Hồ còn mời 10 vị đại trí thức làm Cố vấn cho mình mà danh sách đứng đầu là cụ Bùi Bằng Đoàn. Bùi Bằng Đoàn (1889 – 1955) là Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn, sinh ra trong một gia đình khoa bảng lâu đời, làm quan hết sức tận tụy với dân và nổi tiếng thanh liêm chính trực. Tại nhiệm sở của cụ, dù ở đâu, chức gì đều treo tấm bảng "Không nhận quà biếu".

Ngày 17/11/1945, Bác đã cử Thư ký của mình, ông Vũ Đình Huỳnh, về Hà Đông với bức thư tha thiết: “Thưa Cụ, tôi tài đức ít ỏi mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Cụ học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú, vậy nên tôi muốn mời Cụ làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi trừ hại cho nước nhà dân tộc”. (Bảo tàng Hồ Chí Minh). Cụ Bùi Bằng Đoàn cảm tạ nhưng từ chối. Bác sĩ Bùi Nghĩa, con trai út của cụ Bùi Bằng Đoàn kể: sau những lần ấy, Bác Hồ lại gửi một bức thư khác, đề là “Lời tâm tri” và một câu thơ chữ Hán “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh”. Cụ nghiền ngẫm hồi lâu, mài mực viết lại một câu thư hồi đáp “Thính vũ thanh cảm ứng nghênh thu”.

Bác Hồ kém Cụ Bùi Bằng Đoàn một tuổi, lại đương kim là Chủ tịch nước, một “ông vua”như cách nói trước đây, mà lời lẽ hết sức khiêm nhường, kính cẩn đã khiến cụ Bùi Bằng Đoàn hết sức xúc động. Không chỉ cảm thấy thực sự có gì mới mẻ, tốt đẹp ở chế độ mới, lần này lại thấy Cụ Hồ học vấn quá uyên thâm, đúng là minh quân, là người có thể cho mình thực thi lý tưởng, nên cụ lại quyết ra giúp nước “Nghe mưa thu, cảm tình cụ, hiểu lòng cách mạng, xin được nghênh đón mùa thu”. Hai người qua lại chỉ một câu thơ, nhưng bên trong là cả một chiều dày văn hóa phương Đông, có liên quan đến bài thơ Đường của Lý Thương Ẩn.

Những giá trị lớn đến hôm nay và mãi mai sau

Nhiều người từng đặt câu hỏi: vì sao Bác Hồ lại có thể tập hợp được nhiều hiền tài, lại thu phục được nhân tâm? Trước hết, mục tiêu của Bác là vì dân tộc, vì những điều cao cả. Thứ hai, Bác hiểu rõ những người tài, đức. Thứ ba là sự chân thành, đã dùng thì phải tin, để họ được dùng hết tài năng của mình.

Đó là trường hợp giao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng chỉ với một lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và giao quyền cầm quân cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày mồng Một tháng Giêng năm 1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập. Trước ngày lên đường ra Mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp đã đến Khuổi Tát chào Bác Hồ. Người căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Năm 1946, Bác Hồ sang Pháp với mục đích ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Dù câu chuyện không thành, một nền hòa bình cho Đông Dương bị bỏ lỡ nhưng Bác đã cảm hóa được một đội ngũ đông đảo trí thức lớn về nước, như: Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Nhị... Họ, cùng với trí thức trong nước, là trụ cột của các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật, luyện kim, y dược, quân giới... phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến và mở trường đại học đào tạo các thế hệ trí thức cách mạng. Lớp Tây học này đều có tên tuổi ở nước ngoài nhưng gặp Bác Hồ đều trọng vì nghĩa, phục vì tài. Nghĩa lớn của Người như non cao, tài năng của Người như biển rộng.

Trong hồi ký “Tôi được gặp Bác Hồ ở Paris năm 1946”, GS Y học Trần Hữu Tước kể lại rằng, ông và nhiều nhà báo phương Tây, nhiều Việt kiều ở Pháp đã bị hút hồn, không chỉ vì nội dung câu chuyện Bác nói mà còn ở tiếng Pháp giọng Paris, thoắt lại chuyển sang tiếng Anh như người bản xứ. Trong một số cuộc trả lời phỏng vấn, Bác thường nói đại ý, nếu bạn vì Nhân dân, vì Tổ quốc mình, mà ở địa vị tôi, bạn sẽ làm gì? Chính mục tiêu rõ ràng đó, cùng với việc chân thành, khiêm tốn, trân trọng thật sự, nói đi đôi với làm, Bác khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng cống hiến của người trí thức chân chính chứ không phải đem vật chất, địa vị để “mua chuộc” nên ai theo Bác cũng thành tâm.

Khi cần phải phê bình, Bác cũng có lối phê bình rất ấn tượng. Có hai lần về tỉnh Quảng Ninh, lần đầu, Phó Chủ tịch tỉnh đón, complet, cravate đỏ. Bác nói: Đồng bào mình còn lam lũ, nhiều người áo vá, chú có cái gì đỏ đỏ trên cổ thế kia? Lần sau, Chủ tịch ra đón, rút kinh nghiệm lần trước, mặc áo cộc tay. Bác lại nói: Chủ tịch tỉnh đón Chủ tịch nước mà sơ sài nhỉ. Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Phòng không – Không quân là vị tướng có tài nhưng nóng tính, hay quát mắng bộ đội và sĩ quan cấp dưới. Một lần gặp Bác, Bác rót cho một bát nước nóng to và đầy, trước là mời, sau là giục uống. Ông Phùng Thế Tài ngần ngừ một lúc, sau đành nói thật: “Thưa Bác, nước nóng quá, chờ một lúc cho nguội đã…”. Bác cười: “Nước nóng, Bác không uống được, chú không uống được, phải chờ nguội. Vậy mà chú cứ nóng, bắt bộ đội chịu là sao?”. Từ lần ấy, ông Phùng Thế Tài sửa được khuyết điểm của mình.

Nhưng với kẻ thù thực sự, thì Bác rất kiên quyết: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Kẻ thù trong Đảng, trong mỗi người là chủ nghĩa cá nhân, Bác cũng rất kiên quyết. Trong bài trả lời phỏng vấn báo nước ngoài đăng trên báo Cứu Quốc ngày 21/1/1946, Bác khẳng định: “Nếu cần có Đảng phái thì sẽ là Ðảng dân tộc Việt Nam. Ðảng đó chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Ðảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân

Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài".
Tấm gương Bác, những tư tưởng đó của Bác và các vấn đề nêu trong tác phẩm vĩ đại “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” còn mãi soi đường cho chúng ta, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm nay.