Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học từ Kodak

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chuông cầu hồn cho Kodak đang chờ phút gióng lên khi thị trường lan truyền tin hãng phim ảnh nổi tiếng toàn cầu này đang nhờ luật sư tư vấn về chuyện phá sản.

Ra đời 130 năm trước, Kodak đã nhanh chóng chi phối thị trường máy ảnh, phim và giấy ảnh cũng như các dịch vụ in, sửa ảnh tại Mỹ và thế giới.

Người tiêu dùng biết đến thương hiệu Kodak khi hãng này thực hiện cuộc cách mạng tung ra loại máy ảnh có giá chỉ 1 USD so với loại máy ảnh trước đó bán tới 25 USD. Kodak cũng là nơi ra đời chiếc máy ảnh tự động đầu tiên trên thế giới cách tân triệt để nghiệp vụ chụp ảnh khiến người tiêu dùng không cần phải học cách điều khiển tiêu cự, độ sáng, lấy nét… mà chỉ cần đưa hình ảnh cần chụp vào ống kính rồi bấm.

Mặc dù rất thành công với máy ảnh nhưng niềm tự hào của Kodak lại ở phim và giấy ảnh. Lợi nhuận chủ yếu của hãng cũng từ hai sản phẩm này. Chính vì thế mà ngay cả khi làm ra máy ảnh tự động, ông chủ Kodak dù tốn kém nhiều tiền cho loại máy ảnh này cũng vẫn quyết định bán máy với giá rẻ bất ngờ. Cách tính toán của Kodak rất đơn giản, một đời người chỉ cần dùng 1 đến 2 chiếc máy nhưng cần hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cuộn phim để chụp. Máy ảnh càng dễ sử dụng càng có nhiều người chụp ảnh. Vì thế Kodak đã hi sinh một phần lợi nhuận khi bán máy ảnh tự động với giá rẻ nhưng lại thu hồi gấp nhiều lần từ lượng phim và giấy ảnh bán ra.

Có lẽ vì quá mê mải với lợi nhuận từ phim và giấy ảnh nên Kodak đã thờ ơ với máy ảnh kĩ thuật số mà công ty này tạo ra từ năm 1975. Nhờ đó các đối thủ là Sony và Canon đã chớp thời cơ đầu tư và tung ra thị trường hàng loạt máy ảnh kĩ thuật số với độ phân giải ngày một cao và quan trọng hơn không phải dùng phim và giấy ảnh. Sự thất bại của Kodak nhắc nhở các doanh nghiệp: Hãy luôn cập nhật công nghệ tiên tiến để vượt lên chứ đứng mải mê trước những món lời trước mắt để rồi tụt hậu.