Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học từ lần thi trượt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn hai tháng, da tôi đen hơn, chân tay chai sần. Làm việc vất vả, tối về là lăn ra ngủ để mai còn ra đồng sớm, tôi không rảnh rỗi để buồn. Tôi thấy yêu công việc, yêu con người ở quê hơn.

Thi rớt đại học, nghĩ đến bạn bè đang hớn hở khoe điểm thi, chuẩn bị bước vào cuộc đời sinh viên, tôi thấy mình thật vô dụng.

Thấy tâm trạng tôi u uất, mẹ tôi bắt về quê chơi, sẵn phụ cậu Hoe việc đồng áng. Tôi lên tàu về Hà Tĩnh, rời xa thành phố, quên đi cổng trường đại học từng ao ước, trốn lũ bạn với đủ lời an ủi khiến tôi đau hơn.

Quê vào mùa, lúa vàng ươm đợi tay người gặt hái. Tôi xuống đồng giúp cậu mợ cắt, cột, chất lên xe, chở đến máy tuốt. Vốn không quen, tay tôi bị lúa cứa đứt, liềm bập vào mấy lần. Chưa từng lội ruộng, thế mà tôi vẫn xắn quần, chân ngập trong bùn sâu để thu hoạch những bông lúa vàng ngọn mấp mé nước, đỉa bám vào chân tôi hút máu đến căng tròn mà tôi không hay!

Hơn hai tháng, da tôi đen hơn, chân tay chai sần. Làm việc vất vả, tối về là lăn ra ngủ để mai còn ra đồng sớm, tôi không rảnh rỗi để buồn. Tôi thấy yêu công việc, yêu con người ở quê hơn.
Những người nông dân chất phác, hồn hậu, giản dị và yêu ghét rõ ràng. Ở bên họ, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều. Như thằng Lam, con cậu tôi, học hết lớp 10, nghỉ ở nhà làm ruộng nhưng nó vẫn nuôi mơ ước đèn sách. Tối, hai anh em ngủ chung, nó bảo: “Anh ở đây chơi dạy em học tiếp lớp 11 nhé. Em sẽ học bổ túc”. Còn Hoa, con dì Hòe, làm công nhân. Học hết cấp II, Hoa đi làm được ba năm. Mỗi tối, Hoa vẫn cặm cụi theo học ở trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Nó bảo: “Em cố gắng lấy bằng phổ thông trung học, đi học Anh văn và vi tính để xin việc đỡ cực hơn”. Hai đứa nó chẳng động viên an ủi gì tôi nhưng chính sự vươn lên, vượt khó và niềm đam mê học hành đã lan sang tôi, khiến lòng tôi dịu lại.

Tôi dồn sức kèm thằng Lam các môn tự nhiên và chỉ bảo Hoa học vi tính. Bọn nó vất vả thế nhưng chăm học lạ lùng. Cuốn vở vi tính của Hoa chi chít những lời tôi dạy, “chiêu” gì tôi chỉ nó ghi cẩn thận và về nhà “gạo” kỹ. Nó thuê máy thực hành đến thuần thục mới thôi. Còn thằng Lam thì tranh thủ cả những giây phút đi cắt lúa, bón phân, phun thuốc sâu để nhờ tôi giảng bài. Hai đứa “tận dụng” hết sức lực của tôi mọi nơi, mọi lúc để học. Tự dưng tôi thấy mình có ích, ít ra là với hai đứa em họ. Những kiến thức tôi học ở trường, tôi truyền cho bọn nó hết. Tôi thấy tiếc là không đem được cái máy tính về quê để cho Hoa thực hành. Tội nghiệp nó, mưa gió gì cũng đạp xe lên thị trấn thuê máy tập gõ. Hôm chở thằng Lam ra thị xã, tôi mua cho nó mấy cuốn sách tham khảo. Nhìn ánh mắt nó sáng ngời, trong tôi cũng dậy lên một niềm vui khó tả.

Sau gần năm tháng ở quê, tôi trở vào Sài Gòn. Ngày tiễn tôi ra bến xe, bọn nó khóc. Hoa cứ ôm chặt tôi, nước mắt nhòe má: “Anh đi khỏe, vào đó chuẩn bị thi đại học, nhất định anh đậu, anh giỏi thế cơ mà”. Thằng Lam thì mắt đỏ hoe, ôm vai tôi: “Em hứa với anh sẽ học xong lớp 12. Anh là “thầy” em đó!”.

Rồi tôi thi đậu đại học. Cầm tờ giấy báo điểm, tôi gọi điện ngay về quê cho hai đứa nó. Bọn nó reo lên trong điện thoại. Tôi thầm cám ơn hai đứa em họ. Chính nghị lực của chúng đã truyền lửa cho tôi vượt qua cú “sốc” đầu đời. Bọn nó gọi tôi bằng “thầy” mà không hề biết rằng “ông thầy” này đã học được từ chúng bài học đầu đời về sự tự tin.