Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học từ Singapore và Thái Lan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ùn tắc và tai nạn giao thông không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà đây là câu chuyện làm đau đầu nhiều nhà quản lý đô thị trên toàn thế giới.

Vì thế, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã xử lý tốt những vấn đề trên giúp Việt Nam quản lý, tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả hơn, từ đó góp phần giảm thiểu ùn tắc và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do tai nạn giao thông gây ra. 

Singapore sử dụng hiệu quả công cụ thuế, phí

 

Với diện tích đất hẹp, mật độ dân số bình quân cao nhất thế giới, nhưng Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống vận tải công cộng hiệu quả cao nhất thế giới. Ngay từ năm 1972, Chính phủ Singapore đã quy hoạch chiến lược mạng lưới các trục giao thông để hình thành bộ khung cứng cho hệ thống giao thông trong tương lai sau 40 năm, và được phân kỳ đầu tư từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 15 năm. Đặc biệt, cứ 10 năm, chiến lược phát triển mạng lưới giao thông lại được xem xét điều chỉnh một lần cho phù hợp với thực tế. 

 
Nhờ sử dụng linh hoạt các loại thuế, phí đã giúp các nhà quản lý đô thị Singapore điều hành, tổ chức có hiệu quả hệ thống giao thông.
Nhờ sử dụng linh hoạt các loại thuế, phí đã giúp các nhà quản lý đô thị Singapore điều hành, tổ chức có hiệu quả hệ thống giao thông.
 

Tại Singapore, việc sử dụng linh hoạt các loại thuế, phí đã giúp các nhà quản lý đô thị của nước này điều hành, tổ chức có hiệu quả hệ thống giao thông, giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc. Theo đó, nhằm cân bằng việc đi lại trong đô thị vốn chật hẹp, Chính phủ Singapore đã áp dụng biện pháp hạn chế sở hữu cá nhân. Việc sở hữu xe tại Singapore rất đắt đỏ, do phải nộp thêm nhiều chi phí phụ khác như tiền bảo hiểm, thuế đường, phí đỗ xe, người mua xe phải đấu giá và nộp một khoản tiền cho Nhà nước để được quyền mua và lưu hành xe. Khoảng hai tháng, chính quyền tổ chức đấu giá xe ô tô một lần với số lượng hạn chế, số xe được nhập vào cân đối với số xe thải ra và một số nhu cầu cấp thiết. Số tiền đấu giá này được đóng góp vào ngân sách để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông. 

Ngoài ra, việc đi lại trong khu vực trung tâm hay các đường cao tốc vào các giờ cao điểm đều phải trả thêm phí lưu thông. Hệ thống thu phí được tự động hóa bằng các thiết bị gắn sẵn trên xe và các đường vào, tạo ra nguồn thu để duy tu và tái đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra, mỗi năm 1% giá trị công trình do ngân sách cấp sẽ được sử dụng để duy tu sửa chữa thường xuyên mạng lưới giao thông.

 

Tuy nhiên, để hạn chế ùn tắc giao thông, Singapore không chỉ áp dụng các biện pháp tăng thuế, phí như trên mà còn giảm phí cho những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng trước giờ cao điểm. Hiện nay, người sử dụng hệ thống tàu SMRT được giảm 50% phí đi lại nếu xuống một trong 14 ga được quy định trong TP trước 7 giờ 45 sáng. Biện pháp khuyến khích này đã góp phần giảm lượng người tham gia giao thông trong giờ cao điểm nên các nhà quản lý đô thị Singapore đang tính đến biện pháp miễn phí cho những người sử dụng phương tiện giao thông trước giờ cao điểm một tiếng. 

Camera thông minh tại Thái Lan

Theo thống kê, tại Thái Lan, mỗi năm có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông chủ yếu liên quan đến xe máy, xe đạp và người đi bộ. Vì thế để cải thiện tình trạng này, từ vài năm qua, công nghệ thông tin đã được áp dụng để tối ưu hóa việc quản lý giao thông tại Bangkok. Các nhà quản lý TP hơn 10 triệu dân này đang đẩy mạnh nhiều dự án như hệ thống thu phí cầu đường bằng thẻ kết nối không dây (Electronic Toll Collection Systems - ETCS), các dịch vụ xác định tọa độ GPS, hệ thống cung cấp dữ liệu (Advanced Traveler Information Systems - ATIS)…

Nhờ hiệu quả của các dự án áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông nên tại Bangkok, CSGT không phải hiện diện nhiều trên đường. Hàng loạt các camera gắn trên các trục giao thông, điểm cao, các góc khuất… trong hệ thống điều hành tổng thể của cảnh sát với các phần mềm hiện đại luôn được cập nhật. Thông qua hệ thống camera, các tín hiệu được chuyển tải lên màn hình và qua đó giúp cơ quan quản lý phân tích và đưa ra các tư vấn cho lực lượng cảnh sát tại các chốt thông qua bộ đàm. CSGT chỉ xuất hiện khi cần phân làn mới, hoặc hướng dẫn trực tiếp người tham giao giao thông chuyển làn, giảm tải sang khu vực có mật độ xe thấp. Việc xử phạt vi phạm giao thông cũng được hiện đại hóa và thành hệ thống, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt cũng như tạo điều kiện cho người vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình. 

Ngoài ra, từ trung tuần tháng 8/2012, cảnh sát Thái Lan đã sử dụng camera siêu nhỏ bằng nút khuy áo gắn trên ngực cảnh sát viên để giám sát hành vi của người tham giao thông cũng như của chính lực lượng cảnh sát khi điều hành giao thông. Việc dùng camera siêu nhỏ cùng hệ thống camera cố định được sử dụng làm bằng chứng tại tòa án khi có tranh cãi xảy ra giữa cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông bị bắt lỗi. Theo các chuyên gia, trong vòng 10 năm tới, số lượng nạn nhân do tai nạn giao thông tại Thái Lan sẽ giảm 50% so với hiện nay, nếu tiếp tục áp dụng các công nghệ cao vào quản lý giao thông và thực hiện các đại dự án giao thông nối các tỉnh thành của Thái Lan.