Bài học từ việc "trong lỏng, ngoài chặt" trong phòng chống dịch Covid-19

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn đang được kiểm soát trong hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy vậy, trong những ngày gần đây trên địa bàn TP lại xuất hiện một số ổ dịch phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, như ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai)…

Điều này cho thấy còn những nguy cơ cao, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch vẫn phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường nâng cao giám sát của chính quyền cơ sở, nhất là ở tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng... để từng việc khi triển khai tại mỗi khu dân cư, tổ dân phố phải mang lại kết quả thực chất trong phòng, chống dịch chứ không phải làm theo phong trào.

Chỉ một hành động chủ quan, lơi là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của TP và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Bởi thực tế, ở một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, thiếu ý thức, bất chấp những quy định phòng dịch trong thời gian giãn cách.

 Nhóm người tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) vô tư tụ tập không đeo khẩu trang, chơi thể thao trong khuôn viên nghĩa trang dù đang trong thời gian giãn cách.

Điển hình, sáng 27/8, tại tổ dân phố số 26, phường Định Công (quận Hoàng Mai) một nhóm người túm năm tụm ba gồm cả người lớn và trẻ em vô tư tập thể dục, vui chơi trong nghĩa trang sát khu dân cư mà không đeo khẩu trang. Vụ việc đã được công an phường Định Công, quận Hoàng Mai phát hiện và xử lý kịp thời.

Hay rạng sáng 25/8, tại đường Trường Chinh, ngã ba đường Láng - Yên Lãng, đường Vành đai 2 - Bưởi trên cao, ngõ phố nằm trên đường Võ Chí Công,… một bộ phận người dân vẫn ra ngoài, đi tập thể dục, dắt chó đi dạo. Tình trạng họp chợ cóc và tụ tập đông người trên đường Trường Chinh, đoạn gần Ngã Tư Sở,  quận Đống Đa vẫn vô tư diễn ra…

Theo CDC Hà Nội, ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung cùng lúc có nhiều nguồn lây, nên chỉ sau 4 ngày bùng phát con số F0 vượt 100 ca và gần như 1.700 người dân sống ở đây đều là F1. Với con số này nhiều người cho rằng tại đây quá chật chội nên tỷ lệ tiếp xúc cao, tăng khả năng lây nhiễm.

Nhưng nhiều ý kiến lại khẳng định nguyên nhân là do nơi đây chưa thực hiện giãn cách thực chất, chật kiểu gì thì chật nhưng cách ly nhà với nhà mà có 3 - 4 nguồn lây thì số ca nhiễm cũng chỉ đến 20 ca. Và nếu người dân thực hiện triệt để việc giãn cách thì trường hợp F1 không lên đến con số lớn như vậy. Minh chứng rõ nhất là ngày 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đến kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân đã bắt gặp một số người dân vẫn đi lại trong khu phong tỏa.

  Một số chợ dân sinh đã đóng bớt cửa phụ nhưng người bán hàng vẫn cố tình đục lỗ để bán hàng.

Từ đây cho thấy, bên cạnh sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, vẫn còn để xảy ra "trong lỏng, ngoài chặt" của các lực lượng chức năng cơ sở. Tại một số “vùng đỏ” mặc dù chốt chặn tại đầu các con ngõ đều được kiểm soát tương đối tốt, nhưng bên trong lại không giám sát thường xuyên việc đi lại, giao lưu của người dân.

Tại một số nơi dù dựng thanh chắn và treo biển "vùng xanh" an toàn, nhưng lại không kiểm soát chặt người ra vào. Đặc biệt, tại các chợ dân sinh không kiểm soát tốt việc đảm bảo giãn cách, vẫn còn để nhiều người dân và tiểu thương mua bán qua rào chắn của chợ, thậm chí là thực hiện lén lút các dịch vụ không cho phép trong thời gian giãn cách như cắt tóc, gội đầu...

Để làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh, chính quyền cơ sở phường, xã, tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Nơi nào lực lượng gần dân, sát dân vừa tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định giãn cách, nơi đó sẽ cho hiệu quả rất rõ. Còn nếu chỉ làm hình thức, lơi là thì ngay lập tức dịch bệnh có thể bùng phát, khiến việc kiểm soát, khống chế dịch trở nên phức tạp, khó khăn hơn, nhất là tại các khu vực mật độ dân cư cao, ngõ, ngách nhỏ, có khu tập thể cũ…

Sự đồng lòng, chung sức của cả cộng đồng trong thời điểm này là liều thuốc hữu hiệu để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan; sớm đưa mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần