Đêm 27 và sáng 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.
Với sức tàn phá của cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, song nhờ sự chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản nên thiệt hại bước đầu đến nay đã được giảm thiểu ở mức tối đa. Trong đó, không có thiệt hại về người ( có 4 người bị thương do lốc xoáy ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành – Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, kinh nghiệm bước đầu rút ra sau cơn bão Noru, trước hết là sự chỉ đạo kịp thời, từ sớm, từ xa về công tác ứng phó.
“Cách đây 4 ngày, Thủ tướng đã chỉ đạo Ban chỉ đạo Quốc gia để chỉ đạo các địa phương. Cũng ngay trong ngày, Thủ tướng đã ra công điện gửi cho các địa phương. Những ngày tiếp theo, Thủ tướng liên tục có những cuộc họp trực tuyến với các địa phương, yêu cầu triển khai công tác phòng chống bão số 4. Trong các cơn bão trước, chúng ta tới gần rồi, biết cấp độ cao mới ban hành văn bản chỉ đạo của Chính phủ, còn thường là giao cho thường trực Ban chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo. Lần này ngay từ đầu Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 vào đầu giờ chiều 28/9.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 4 cần phải kể đến sự vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm rất cao của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương, bộ, ban ngành tới các địa phương.
“Qua thực tế đi kiểm tra ở các địa phương, chúng tôi thấy rất mừng khi các đồng chí đứng đầu đều vào cuộc và xây dựng kế hoạch rất tỉ mỉ. Không chỉ thường vụ, các cấp huyện, xã cũng triển khai bài bản phương án ứng phó với bão. Hệ thống chính trị từ tỉnh ủy, thành ủy cho tới cấp huyện, xã đã vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm rất cao. Đặc biệt là lực lượng quân đội, công an rất chủ động trong việc chủ động huy động lực lượng” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay.
Nguyên nhân tiếp theo giúp công tác ứng phó bão số 4 giảm thiểu thiệt hại là đợt này Nhân dân rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền. Đơn cử như Đà Nẵng, từ 17 giờ chiều 27/9, các đường phố đã không có người dân ra đường.
Theo Phó Thủ tướng, cơn bão này cấp 10, giật đến cấp 12-13 không phải nhỏ. Cây cối ngã đổ, nhà tốc mái nhiều nhưng thiệt hại về người không có. Đây là thành công. Chứng tỏ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thì nhân dân nhận thức được và chấp hành rất nghiêm túc các công điện, văn bản chỉ đạo về phòng chống bão.
“Bên cạnh đó là sự đùm bọc trong Nhân dân. Khảo sát các khu vực cho thấy hầu hết Nhân dân đùm bọc lẫn nhau. Nhờ đó chúng ta mới di chuyển được hàng vạn người trong một thời gian rất ngắn” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát thiệt hại của người dân cũng như công trình, sớm tổng hợp và báo cáo về Ban chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với hệ thống điện, cần sớm phục hồi lại toàn bộ. Những công trình như trường học, nhà dân bị tốc mái, không chờ kinh phí Trung ương mà phải xử lý ngay cho người dân.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương chịu ảnh hưởng bão số 4 không được chủ quan mà cho rà soát ngay những điểm nguy hiểm như đập tràn, khu vực mưa nhiều nguy cơ sạt lở để cử lực lượng ứng trực, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.