Tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm:
Bãi tập kết dưới đường điện cao thế tồn tại nhiều năm
Kinhtedothi - Một bãi tập kết lớn được hình thành ngay dưới dường điện cao thế nhưng ngang nhiên hoạt động suốt nhiều năm qua. Thậm chí gần đây, bãi này đang “phình to”bằng cách đổ trạc thải lấp đất nông nghiệp. Sự việc diễn ra công khai giữa ban ngày.
Toàn cảnh bãi tập kết trái phép dưới đường điện cao thế nhiều năm qua (Ảnh chụp chiều 31/3)
Đe dọa an toàn lưới điện, hủy hoại đất nông nghiệp
Đường 70, đoạn qua địa phận phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (khu vực giáp với dự án Làng giáo dục quốc tế) thời gian gần đây biến thành bãi trạc thải lộ thiên, gây bức xúc dư luận. Từng đống chất thải rắn được đổ tràn lan ngay bên đường, khiến ai đi qua cũng cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả những gì “chướng mắt” nhất ở khu vực này.
Ngay cạnh các bãi trạc thải, dưới đường điện cao thế 110KV chạy qua xuất hiện một bãi tập kết rộng hàng ngàn mét vuông. Trên bãi này, hàng chục nhà xưởng bằng tôn, nhà container được dựng lên. Cạnh đó, nhiều máy móc, phương tiện được tập kết rải rác khắp nơi. Điều đáng nói là khu vực bãi tập kết này nằm gần như hoàn toàn dưới đường dây điện cao thế, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện.
Hiện tại, bãi tập kết trái phép này đang tiếp tục “phình to”, với việc đổ hàng trăm tấn chất thải rắn, trạc thải lấp xuống khu vực đất nông nghiệp lân cận. Cứ trạc thải đổ xuống đến đâu sẽ được san lấp, ủi bằng phẳng và trở thành nơi tập kết nhiều loại vật chất bên trên. Cứ thế, chỉ trong một thời gian ngắn, một diện tích không nhỏ đất ruộng đã bị hủy hoại, san lấp trái phép.
Bãi tập kết này đang tiếp tục "phình to" bằng việc đổ thải san lấp đất nông nghiệp (Ảnh chụp chiều 31/3).
Phía ngoài bãi tập kết, tại khu vực ngã ba đường 70 giao với đường nội bộ vào khu đô thị Viglacera Xuân Phương, nhiều lều lán, hàng quán dựng bằng tôn cũng đã "mọc" lên. Trong đó có một quán bia khá lớn, dù hiện không hoạt động nhưng biển hiệu và công trình quán vẫn được giữ nguyên. Bên trong, dọc tuyến đường nội bộ vào khu đô thị Viglacera Xuân Phương, nhiều lều lán, hàng quán đang hoạt động, tạo ra cảnh tượng nhếch nhác, nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh.
Anh Trần Văn Tuấn – trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm cho biết, cơ quan anh nằm ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức nên gần như ngày nào anh cũng đi qua tuyến đường 70 để đi làm và về nhà. “Bãi tập kết đó có lâu lắm rồi. Còn chỗ đổ thải lấp ao (thực chất là đất ruộng – PV) xuất hiện khoảng một năm nay. Ngày nào đi qua, tôi cũng thấy mà không hiểu sao cơ quan chức năng địa phương lại không phát hiện ra?” – anh Tuấn thắc mắc.
Một khu ruộng trũng lớn đã bị san lấp gần hết (Ảnh chụp chiều 31/3).
UBND phường cam kết sẽ giải quyết triệt để
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Trần Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương xác nhận sự tồn tại của bãi tập kết trái phép dưới đường điện cao thế và có tình trạng san lấp đất ruộng đang xảy ra tại khu vực này. “Chúng tôi đã thiết lập hồ sơ và sẽ xử lý dứt điểm trong thời gian tới” – ông Hoàn cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương, khu vực trên trước đây vốn là đất dự án xây dựng trụ sở của một đơn vị. Dự án này đã hoàn thành được 2/3 công tác giải phóng mặt bằng và tiến hành triển khai từ năm 2012 nhưng sau đó lại dừng.
Từ năm đó đến nay, một số hộ dân tận dụng đất đó làm nơi trồng rau, một số bỏ không và xảy ra tình trạng đổ trạc san lấp thành mặt bằng như hiện nay.
Nhiều nhà xưởng được dựng lên trên bãi tập kết, nhiều phương tiện máy móc cũng xuất hiện tại đây (Ảnh chụp chiều 31/3).
Về bãi tập kết nằm ngay dưới đường dây diện cao thế, ông Hoàn cho biết bãi này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Năm 2024, sau khi ông về công tác tại phường Xuân Phương cũng đã nhận được nhiều phản ánh về sự việc.
“Vừa rồi, tôi đã họp với Chủ tịch phường và chốt phương án là phải tháo dỡ, trả lại mặt bằng nguyên trạng” – ông Hoàn nói và cho biết thêm, mới đây chủ bãi có đơn xin tự tháo dỡ. Phường gia thời hạn phải hoàn thành việc tháo dỡ này muộn nhấn đến ngày 14/4/2025.
Về khu vực đang xảy ra tình trạng đổ trạc san lấp đất ruộng, ông Hoàn cho hay, nguồn gốc đất bị san lấp là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, khu vực chạy dọc đường 70, nơi giáp với cột điện của đường điện cao thế 110KV hiện còn đất của 4 hộ dân. Phần đất này, phía điện lực Hà Nội đang muốn mua lại để làm khu vực hạ ngầm đường dây.