Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" gây tranh cãi, người trong cuộc nói gì?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” vừa được trao giải cao nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 đã hứng chịu sự phản ứng gay gắt của độc giả. Trên các diễn, bài thơ trở thành tâm điểm của dư luận với không ít lời bị chê bai là “bài thơ dở nhất nước”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là tác phẩm có tình thơ chân thành, dung dị, mang ý nghĩa nhân văn.

Nhận nhiều “gạch đá”
Ngày 9/4, báo Văn Nghệ tổ chức trao giải cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ 2019 - 2020 với 2 giải B được trao cho 2 tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) và Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), cùng 4 giải C, 6 giải khuyến khích. Trong đó, tác giả Tòng Văn Hân đoạt giải B cuộc thi với 3 bài thơ: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, “Nhà dưới nhà trên” và “Làm rể”. Sau lễ trao giải, tác phẩm “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” nhận được nhiều đánh giá hơn cả. Dư luận trong giới văn chương và mạng xã hội có nhiều quan điểm trái chiều lên về chất lượng bài thơ.
 Tác giả Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song nhận giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ ngày 9/4.
Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn trên trang cá nhân đã viết: Ý tưởng phúc đức tại mẫu rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, tác giả viết quá vụng về, nên phơi bày sự ngây ngô. “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước, còn trao giải thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca. Mặt khác, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn cho rằng, Giải B trao cho “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” không phải lỗi của tác giả Tòng Văn Hân, mà là lỗi của Ban chung khảo. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng BGK giải thơ 2019 - 2021 đã trao giải cho “bài thơ dở nhất nước”. Bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” thuộc trường phái “tân con cóc” phi thơ, dễ dãi, dông dài và lưu manh. Ông không chấp nhận thể loại thơ “hậu hiện đại” xóa nhòa ranh giới thơ và văn xuôi một cách dễ dãi và nhảm nhí như vậy.
Yêu, ghét là bình thường
Trong cơn thịnh nộ của không ít người, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi - nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” mà nhiều người mang ra cười cợt thực ra rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng. “Lẽ thường, khi chửi kẻ trộm người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, còn “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, tâm hồn rất cao thượng, độ lượng. Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình” – nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ. Về việc một số người cho rằng hai bài thơ đó về mặt chữ nghĩa “ngây ngô”, không có vần điệu, nhà thơ Thỉnh cho hay: “Thì thế mới giải Nhì chứ không phải giải Nhất”, và đó là giọng thơ của một người dân tộc sống ở miền núi, rất chân chất chứ không phải “kiểu mơn trớn chữ nghĩa” như các nhà thơ giỏi chữ Việt ở miền xuôi.
Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Giải này chưa phải đắc địa. Chính tôi là người đề nghị không có giải A, cũng không có giải B, chỉ có giải C và giải khuyến khích thôi. Nhưng rồi bàn luận kỹ lưỡng tôi đồng ý với hội đồng giám khảo vì đây chỉ là kết quả cuộc thi thơ của một tờ báo. Nó cũng phản ánh đúng tình trạng văn chương của chúng ta hiện nay”. Tác giả của “Hạt gạo làng ta” cũng nhìn nhận: “Rõ ràng là cuộc thi chưa được như mình mong đợi nhưng nó có quá tồi tệ như dư luận phản đối không? Tôi thấy không phải. Chúng ta quá cực đoan nên có những lời thóa mạ nặng nề. Thực chất cũng không đến mức như thế”.
Về phía tác giả Tòng Văn Hân, nhà thơ cho biết, anh làm thơ với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh tươi đẹp trong không gian sống của người Thái nói riêng, của người miền núi trên địa phương nói chung đến với đông đảo bạn đọc. Người Thái có quan niệm con người có rất nhiều hồn vía gắn với từng chi tiết trên cơ thể như chân tay, mắt mũi… miệng cũng có hồn vía, nên người ta không nói những từ tục tĩu bởi nói tục sẽ làm cho hồn vía miệng của mình bị ô uế. Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Trưởng ban tổ chức giải thơ khẳng định, Ban tổ chức "rất trong sáng", còn văn chương thì người yêu người ghét, người này hài lòng người kia không là chuyện bình thường.
Trước những phản ứng trái chiều của dư luận về bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, một số nhà thơ cũng bày tỏ nhiều nghiên cứu khoa học về thuyết người đọc, thuyết tiếp nhận và thuyết hồi ứng của người đọc tại Việt Nam cho thấy từ phong trào Thơ Mới (1932-1945) đến nay, đa số độc giả và cả giới nhà nghề thường thích văn chương kiểu cũ “quen tai quen miệng” hơn. Còn việc đổi mới, cách tân thơ thường chịu nhiều búa rìu oan uổng.