Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán cho kinh tế VN thời hậu khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 2009, đồng thời tăng ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát.

KTĐT - Năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 2009, đồng thời tăng ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát.

Trong lúc bức tranh kinh tế thế giới hậu khủng hoảng đang dần hình thành, mục tiêu vừa đảm bảo tốc độ tăng GDP, vừa giải quyết được những hệ lụy của tăng trưởng nhanh đặt Việt Nam trước những bài toán khó.

Những vấn đề xung quanh kinh tế Việt Nam năm 2010 được các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra bàn thảo sáng 15/1 tại hội thảo về cơ hội đầu tư - kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trong bối cảnh chính những nhà kinh tế hàng đầu thế giới như Chủ tịch FED - Ben Bernanke hay GS. Paul Grugman cũng tỏ ra thận trọng về khả năng phục hồi, các chuyên gia trong nước cho rằng, quá trình hồi phục kinh tế tại Việt Nam chứa đựng bất trắc và rủi ro. Trong đó, kinh tế 2010 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào biến động trên thế giới và quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cũng như sự điều hành của Chính phủ.

Bài toán cho kinh tế VN thời hậu khủng hoảng - Ảnh 1
Nền kinh tế được nhận định đang hồi phục, nhưng chậm và khó dự báo. Ảnh: Hoàng Hà

Theo GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, một trong những vấn đề chính mà Việt Nam đối mặt trong năm 2010 sẽ là hệ lụy của giải pháp chống suy giảm kinh tế trong năm vừa qua. Trong đó, nguy cơ tái lạm phát là dễ thấy nhất, bởi Việt Nam đã phải liên tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa. Bên cạnh đó, khả năng giá cả nguyên vật liệu tăng khi kinh tế toàn cầu hồi phục, cũng như đầu tư kém hiệu quả ở trong nước là rất lớn. Thâm hụt ngân sách trong năm 2009 là 7% GDP và có khả năng không giảm trong năm 2010.

Tái lạm phát cũng là vấn đề được nhiều nhà kinh tế quan tâm từ nửa cuối năm 2009, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng liên tục leo thang, và chạm mốc 38% vào tháng 12. Với độ trễ của chính sách tiền tệ khoảng 5-6 tháng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, giữa năm 2010 có thể chứng kiến giá cả leo thang. Nếu điều này xảy ra, theo ông, thêm lần nữa quy luật giá cả bị phá vỡ, tạo ra áp lực lớn vào cuối năm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nhận định, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2010 sẽ là 11%, vượt xa con số 7% được Quốc hội thông qua.

Năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 2009, đồng thời tăng ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát. Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế thế giới còn mong manh, mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn năm 2009 đòi hỏi nhiều nỗ lực. TS. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả Bộ Tài chính, cho rằng, mục tiêu kép này sẽ đòi hỏi Việt Nam có những điều chỉnh liên tiếp cho phù hợp với tình hình.

Bài toán cho kinh tế VN thời hậu khủng hoảng - Ảnh 2
GS. Nguyễn Mại, Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà

Một bài toán khác đặt ra trong năm 2010, theo GS. Võ Đại Lược, là giải quyết vấn đề tỷ giá đôla. Việt Nam cố định tỷ giá và có điều chỉnh nhỏ, VND mỗi năm mất giá 1-2%. Lạm phát ở Việt Nam hàng năm cao hơn ở Mỹ 5-7%, trong khi chỉ điều chỉnh tỷ giá 1-2% khiến đồng Việt Nam rơi vào tình trạng cao giá. Mức cao này tích tụ trong nhiều năm, và theo ông, có tác hại tới xuất khẩu và mở cửa cho nhập khẩu. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nhập siêu kéo dài.

Trong khi đó, theo GS. Nguyễn Mại, Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, việc điều chỉnh cách thức tăng trưởng cũng là yêu cầu trong năm 2010. Hậu khủng hoảng chính là thời điểm để Việt Nam nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế của mình. Trong đó, đòi hỏi với Việt Nam, theo ông, là tăng trưởng theo chiều sâu nhờ vào công nghệ và nhân lực có trình độ cao, thay vì tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên sử dụng nhiều vốn và lao động như hiện nay. Người Việt Nam cũng cần vượt ra khỏi tư duy của một nước lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ tài chính và công nghệ nước ngoài.

Chung quan điểm, TS. Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, cho rằng, tác động của khủng hoảng cho thấy các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, cần tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. "Hiện tượng suy thoái vừa qua mới chỉ là sự phản ánh trên bề mặt nền kinh tế của những mất cân bằng bên trong", ông nhận định.