Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bãi xe quanh hồ Bảy Gian được cấp phép: Quản lý chặt tránh hệ lụy phát sinh

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Báo Kinh tế&Đô thị có chùm bài phản ánh, bãi xe không phép quanh hồ Bảy Gian, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) đã được UBND quận Ba Đình cấp giấy phép tạm thời sử dụng hè phố. Vậy nên, để duy trì đảm bảo trật tự đô thị tại khu vực này, rất cần lực lượng chức năng tổ chức giám sát và có phương án quản lý chặt chẽ.

Theo Giấy phép Tạm thời sử dụng hè phố (lần đầu) số 260/GPHP-UBND ngày 15/12 do UBND quận Ba Đình cấp (do UBND phường Ngọc Hà cung cấp cho phóng viên), ông Trương Anh Tuấn (chủ bãi) được phép sử dụng 180m2 thuộc một phần đất trống giáp hồ Bảy Gian, ngõ 135 Đội Cấn, phường Đội Cấn để làm nơi trông giữ phương tiện xe phục vụ Nhân dân, có thu tiền. Thời gian sử dụng là 6 tháng, từ ngày 1/12/2021 - 30/5/2022.

Cũng theo giấy phép này, đơn vị được cấp phép phải sử dụng đúng vị trí, diện tích đã được cấp, phân định ranh giới sử dụng rõ ràng, bố trí xe ra vào hợp lý đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc giao thông (UTGT), trang bị đầy đủ các phương tiện phòng chống cháy, nổ theo quy định của Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an TP Hà Nội. Trong quá trình sử dụng phải đảm bảo trật tự công cộng, trật tự ATGT và các quy định giữ vệ sinh của TP, đảm bảo mỹ quan đô thị, không được che chắn, không được dựng lều lán…

 Tại khu vực ngã ba đường vào hồ, đoạn tiếp giáp với hồ Bảy Gian hàng loạt xe ô tô ngang nhiên dừng đỗ giữa ngã ba, dưới lòng đường. (Ảnh chụp sáng 20/12).
Mặt khác, theo sơ đồ cấp phép sử dụng tạm thời trông giữ phương tiện giao thông đã được cấp, chủ bãi được phép sử dụng 180m2 đất lưu không, trong đó, chiều sâu 6m, chiều dài 30m. Phần được cấp phép tổ chức trông giữ phương tiện không được phép đè lên vỉa hè dành cho người đi bộ, không được phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường.

Tuy nhiên, theo nghi nhận của phóng viên, trong sáng ngày 20/12, tại khu vực được cấp phép, chủ bãi vẫn ngang nhiên chiếm dụng gần như toàn bộ diện tích vỉa hè dành cho người đi bộ làm nơi trông giữ phương tiện. Tiếp đó, tại khu vực ngã ba đường vào hồ, ngoài phạm vi giấy phép được cấp (đoạn tiếp giáp với hồ Bảy Gian, khu vực trạm biến áp) có nhiều xe ô tô vẫn ngang nhiên dừng đỗ ngay giữa nút giao, dưới lòng đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Có thể nói, trong hoàn cảnh hạ tầng giao thông tĩnh, đặc biệt là diện tích các bãi trông giữ phương tiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực của người dân, việc UBND quận Ba Đình xem xét cấp giấy phép trông giữ phương tiện tại các ô đất trống, khu vực chưa triển khai dự án… là hết sức cần thiết. Bởi, việc tổ chức cấp phép trông giữ phương tiện sẽ giúp ngân sách Nhà nước có thêm nguồn thu, người dân cũng yên tâm hơn khi gửi xe tại bãi nếu không may ra những sự cố không mong muốn.

Tuy nhiên, để chủ trương trên phát huy được hết hiệu quả, tránh hệ lụy có thể xảy ra, các lực lượng chức năng phường Ngọc Hà, quận Ba Đình cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm diễn ra tại bãi xe quanh hồ Bảy Gian nói riêng và các bãi xe khác trên địa bàn nói chung.

Bàn về việc hợp thức hóa các điểm này trông giữ xe tương tự nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đó chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện diện tích dành cho bãi đỗ xe tại Hà Nội quá thiếu thốn, mới đạt 0,3% (thông thường phải đạt tối thiểu 3%).

Thực tế, đơn vị chức năng đã kiến nghị UBDN TP nên cho phép tổ chức triển khai trông giữ xe tại các khu đất xen kẹt, đất dự án nhưng chậm triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và giao UBND các quận, huyện quản lý.

Tuy nhiên, về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu gia tăng lượng xe ô tô cá nhân, TP cần sớm điều chỉnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng dự án điểm đỗ xe mới; đồng thời rà soát, thúc đẩy thực hiện các dự án đã được phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là các bãi đỗ xe ngầm tại khu vực trung tâm.