Nhớ ngày con vừa đẻ cu Bin, người cứ như không phải của mình, đau hết chỗ nọ đến chỗ kia, từ mắt bị đỏ cho đến mũi bị ngạt, tai lên cục gì đó dí vào thấy đau, họng nuốt nước bọt thấy gai gai. Rồi đến vùng xương cụt cứ bị nhức...
Nghe tin, bầm vội chuẩn bị các bài thuốc để gửi ô tô xuống cho con sớm nhất có thể. Bầm đi hái lá trầu không cho con rửa mắt, hái lá dấp tanh cho con đắp rồi mua thuốc nhỏ mắt cho con, vì mới sinh nên bầm bảo cần hạn chế dùng kháng sinh kẻo ảnh hưởng đến sữa. Bầm còn gửi sắn dây, lá Hạ diệp châu và tầm gửi cây mít con uống cho mát. Bầm chăm đọc sách nên biết nhiều các loại thuốc, bảo những lá cây lành, không lo tác dụng phụ.
Chữa đau vùng thắt lưng, bầm dùng lá Bông mã đề, huyết dụ về sao khô đưa con uống thay nước để dịu mát cơ thể. Sau đó ra hiệu thuốc mua thuốc sắt và canxi, nói con phải bổ sung hai chất này ít nhất là cho đến khi Bin được hai tháng. Bầm kết hợp đông tây y, giữa cổ truyền và hiện đại khiến con nể quá!
Hôm trước con gọi và hỏi: “Sao Bin ngủ cứ chổng mông lên”. “À, dính giun kim đấy, trẻ con hầu như đứa nào cũng bị. Khi Bin ngủ say, con lấy đèn pin bắt cho nó, rồi ra chợ mua quả đu đủ chín về dằm đường cho nó ăn, vừa nhuận tràng và lũ giun sợ chất nhựa trong đu đủ lắm”.
Bố Bin cũng khâm phục: “Bầm giỏi thật, hỏi đến cái gì cũng biết”. Bầm có cả một kho sách, khi nào bí, bầm lại cười: “Để xin trợ giúp của sách đã”, lát sau thì có câu trả lời. Bà nội thi thoảng có thắc mắc gì cũng nhờ, “mẹ Bin gọi cho bà ngoại hỏi xem thế nào”.
Ngày chú của cu Bin đến ở nhờ một thời gian, chú ấy được bà nội chiều quen rồi nên con thấy gai mắt. Ai lại cứ cơm bưng nước rót, giặt giũ, dọn dẹp như là nuôi hai thằng Bin vậy. Con than thở với bầm: “Nó là em chồng con chứ có phải là bố con đâu mà lúc nào cũng khệnh khạng như ông Kễnh”.
Rồi con lại rên rỉ chuyện mẹ chồng thi thoảng đến thăm lại xen vào chuyện nhà con, có vẻ bực việc con hay cằn nhằn chồng…
Bầm điềm đạm khuyên: “Người ngoài mình còn cư xử tốt được thì hà cớ gì người nhà mình lại phải mặt nặng mày nhẹ, rồi chú ấy khắc hiểu. Con đừng tỏ vẻ khó chịu. Còn về mẹ chồng nàng dâu, luôn có khoảng cách, song nếu con dâu có lòng và mẹ chồng hiểu biết thì khoảng cách ấy được kéo lại gần hơn”. Tự dưng ngọn lửa rừng rực trong con nhanh chóng nguội dần rồi tắt.
Sống ở xa lại vướng con nhỏ nên hiếm khi con về. Hôm trước con gọi điện về không để ý lời bầm than không xuống thăm cháu được vì dạo này đau xương, có lẽ bị thoái hóa đốt cột sống.
Thứ hai vừa rồi, bầm gọi điện hỏi cuối tuần về không. Con ngơ ngác: “Về làm gì ạ?” Bầm im lặng một lát rồi bảo: “Rằm tháng bảy mà con”. “Thứ bảy vừa rồi con nghỉ nên tuần này phải đi làm, nhiều việc quá!”. “Ừ, thế thì thôi”.
Hôm nay con gọi điện cho bầm định hỏi về Lễ Vu Lan sắp tới, anh cả có về không, bầm sắp cúng những gì, có nấu cháo lá đa cho các vong nhân hay không... mà không thấy ai bắt máy, mặc tiếng tút đổ dồn ráo riết. Mọi khi không có bầm thì cũng gặp bố nhấc máy, chỉ cần bảo: “Cho con gặp bầm với”, là bố lại nhiệt tình: “Có ngay đây, chờ cán bộ tí!”.
Con nghĩ khôn rồi nghĩ dại, cũng có thể chỉ là bố bầm chở nhau ra chợ, đi thăm ai đó hoặc vào chùa… nhưng, sao con cứ thấy nóng ruột thế. Con thấy bơ vơ và lạc lối không có ai chỉ đường, con thấy sợ, con đã quen với gọi điện cho bầm, con đã quá quen với giọng nói của bầm cùng các lời khuyên hữu ích.
Giờ đây, con chợt hoang mang. Ra là bao lâu nay con cứ điềm nhiên nhận câu trả lời và sự quan tâm của bầm mà chưa biết đến giá trị của chúng. Bầm luôn ở gần bên con mà sao con cứ tạo khoảng cách xa xôi, chỉ hai giờ đi tàu thôi mà. Bầm ơi nhấc máy đi, cho con báo suất cơm, cuối tuần cả nhà con sẽ về ăn rằm với bố, với bầm.