Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán đảo Triều Tiên lại nóng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau ít ngày yên ắng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng cảnh báo cao khi Bình Nhưỡng cho biết đã bắn 3 tên lửa tầm ngắn tại khu vực phía Đông nước này.

 

Vụ việc trên diễn ra đúng vào thời điểm Cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản, ông Isao Iijima vừa kết thúc chuyến thăm Triều Tiên và Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Glyn Davies kết thúc chuyến thăm 3 nước Đông Bắc Á như một hành động nhằm đáp trả cuộc tập trận hải quân chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, vốn bị Bình Nhưỡng chỉ trích là hành động gây hấn và "diễn tập cho chiến tranh". Đây cũng là một thông điệp cho thấy, cộng đồng quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục được Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, động thái trên của Bình Nhưỡng có thể là một nước cờ sai lầm khi Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để giữ vững hòa bình và ổn định trong khu vực. Rõ ràng, Bình Nhưỡng trở nên lép vế và bất lợi hơn nhiều trong cuộc đàm phán với bộ ba quyền lực Seoul, TokyoWashington. Thậm chí, nếu cứ tiếp tục đẩy căng thẳng tại khu vực lên một ngưỡng mới, Triều Tiên sẽ ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.

Bán đảo Triều Tiên lại nóng - Ảnh 1

Triều Tiên bắt thử tên lửa tàu ngắn. Ảnh AFP

Cũng liên quan đến tên lửa, Tờ "Thời báo chủ nhật" (The Sunday Times) của Anh ngày19/5 cho biết, Syria đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống tên lửa đất đối đất Tishreen nhằm vào Israel nếu như Tel Aviv có ý định tấn công Damacus. Trước đó, Tổng thống Bashar Assad khẳng định, ông sẽ không từ chức trước bầu cử và Mỹ không có quyền can thiệp vào vấn đề chính trị của Syria. Tuyên bố của ông Assad có thể gây khó khăn cho những nỗ lực của Nga - Mỹ trong việc kêu gọi các lực lượng tại quốc gia này ngồi vào đàm phán nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua.

Tại châu Âu, 9 tháng sau cam kết sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để cứu đồng Euro của các quan chức Liên minh châu Âu (EU), cuộc khủng hoảng tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bắt đầu lan sang những nước vốn trước đây luôn có tỷ lệ tăng trưởng ngoạn mục như Ba Lan hay Estonia. Luồng gió tăng trưởng từ biển Baltic đã không thể đem lại phép màu cho Eurozone khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong quý I vừa qua, GDP của Ba Lan - đầu tàu kinh tế tại khu vực Trung và Đông Âu chỉ tăng 0,1%, Slovakia chỉ tăng 0,3%...

Trong tuần qua, thế giới còn phải trải qua nhiều biến cố gây thiệt hại nặng về người và tài sản như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn... Việc Tổ chức Y tế thế giới xác nhận virus cúm A/H7N9 có nguy cơ lây từ người sang người cao hơn so với các chủng virus cúm gia cầm khác và thực tế có 35/130 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc đã tử vong trong vòng hơn hai tháng qua cho thấy sự nguy hiểm của loại virus này. Đặc biệt, tại châu Phi, ít nhất 508 triệu người có nguy cơ bị sốt vàng da ở các mức độ khác nhau đã làm trầm trọng hơn diễn biến của dịch bệnh nguy hiểm khiến khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh và tử vong hàng năm..