Cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam
"Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" là tấm bản đồ do TS Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (BTLSQGVN) cuối tháng 7 vừa qua. Bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc do triều đình nhà Thanh xuất bản năm 1904, thể hiện rõ cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TS Mai Ngọc Hồng cho biết, trong tấm bản đồ này, chủ biên (tương đương với chức giám đốc bây giờ) Sái Thượng Chất có lý lẽ rất khiêm tốn, đánh giá cao thành quả của các giáo sĩ phương Tây, những người vốn đi trước Trung Hoa về thiên văn và toán pháp. Nhìn vào bản đồ "rõ như lòng bàn tay", đặc biệt "tại các cửa biển ở các miền duyên hải đều phỏng họa các đường thủy, tàu thuyền ra khơi và vào cảng" trong đó, không hề xuất hiện hình in, vẽ, tính toán, đo đạc tới các quần đảo ở Biển Đông. Chính họ tự nhận đất đai mình tới cực nam Trung Quốc, chỉ tính đến đảo Hải Nam.
Chia sẻ tại triển lãm, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQGVN cho biết: "Đây là tấm bản đồ có giá trị và ý nghĩa lịch sử rất lớn, góp phần quan trọng để các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu, các tổ chức trong nước và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhân dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thêm thông tin, tư liệu về vấn đề chủ quyền biển đảo trong khu vực. Đặc biệt, bản đồ này được công bố để có thêm bằng chứng khách quan, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thông qua trưng bày này, BTLSQGVN mong muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
Bản đồ cổ triều Thanh
Bằng chứng quan trọng
Tuy tấm bản đồ "Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" mới được trưng bày 2 ngày, nhưng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế. Rất nhiều người đã tạm gác lại công việc, vượt đường sá xa xôi để được chứng kiến tận mắt tài liệu quý này. Ông Petter Len, 46 tuổi, du khách đến từ nước Bỉ cho biết: "Tôi rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Dù bận rộn, nhưng tôi vẫn cố gắng tới để tận mắt nhìn thấy "Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ". Rõ ràng, nhìn vào tấm bản đồ này, có thể khẳng định, lãnh thổ Trung Quốc không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tôi nghĩ, đây là bằng chứng quan trọng để Việt Nam sử dụng trong quá trình đàm phán với Trung Quốc".
Ông Trần Tuấn Cường, 73 tuổi, người đã từng học tập và giảng dạy lâu năm tại Trung Quốc chia sẻ: "Tấm bản đồ do người Trung Quốc tạo ra năm 1904 không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, trong "An Nam đại quốc họa đồ" ấn hành đầu thế kỷ XIX có xác định vị trí 2 quần đảo này. Thay mặt cho những người đã từng học tập và làm việc tại Trung Quốc, tôi trân trọng mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Tôi mong muốn hai nước đàm phán với nhau, cái gì đúng thì phải theo!".
Từ khi tấm bản đồ được công bố đến nay, chính quyền và giới học giả Trung Quốc vẫn im lặng. Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc đang bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Một số người thừa nhận, nội dung bản đồ như vậy chứng tỏ Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số khác vẫn ngờ vực và đề nghị tìm kiếm thêm các bản đồ cũ hơn của Trung Quốc để đối chiếu. Nhiều người tại triển lãm đã đề nghị, cần phải in sao tấm bản đồ này cho cả nhân dân Trung Quốc, để Trung Quốc cư xử đúng và tôn trọng luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.