Bán ghế massage “trốn” xuất hóa đơn, thanh kiểm tra ngay

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài rà soát, đưa thêm các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ghế massage và những mặt hàng tương tự vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất, Bộ Tài chính cũng cho biết, đã trình bổ sung 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Làm rõ việc khai báo về xuất xứ ghế massage nhập khẩu

Ngày 6/9, Bộ Tài chính đã có ý kiến trả lời về một số vấn đề thời sự được dư luận quan tâm.

Về các phản ánh liên quan đến thông tin, hầu hết ghế massage đang bán tại Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Với các chiêu trò quảng cáo lấp lửng, khách hàng dễ nhầm tưởng đó là hàng Nhật, Hàn, từ đó lạc vào “ma trận” giá.

Đáng chú ý, dù mỗi máy massage được bán ra với giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng nhưng hiếm khi nơi bán xuất hóa đơn VAT, hoặc ghi không đúng giá trị giao dịch thật khiến Nhà nước có thể thất thu thuế rất cao…

Vấn đề này, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, đối với hoạt động kinh doanh ghế massage, ngày 24/8/2022, Tổng cục thuế đã ban hành công văn chỉ đạo cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra hóa đơn đối với ghế massage và các mặt hàng tương tự.

Cụ thể, yêu cầu rà soát, phân loại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ghế massage và những mặt hàng tương tự trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay.  Phối hợp với các ngành liên quan (quản lý thị trường, công thương, tài chính, hải quan...) để tăng cường biện pháp quản lý đối với các đối tượng nêu trên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về quy định chính sách thuế, đồng thời cảnh báo người nộp thuế cố tình gian lận sẽ bị cơ quan thuế xử lý nghiêm.

Đối với việc quản lý hải quan về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage, trên cơ sở nội dung báo phản ánh, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu để làm rõ việc khai báo về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage nhập khẩu. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp gian lận về xuất xứ, nhãn hàng hóa theo quy định.

Bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho 20 địa phương

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022 về việc bổ sung dự toán thu NSNN năm 2021; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2021.

Trong đó, bổ sung 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Đến nay, Bộ Tài chính đã thông báo bổ sung kinh phí cho các địa phương (20 địa phương) với tổng kinh phí là 4.125 tỷ đồng (tạm cấp bổ sung 70%) để các địa phương thực hiện chính sách này.

Về các chính sách gia hạn thuế, quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng; đến hết tháng 8/2022, đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% kế hoạch. Trong đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng. Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng.

Về các chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi đã ban hành và triển khai thực hiện (quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách là 61,5 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2022, ước tính số thực hiện khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 56,9% kế hoạch.

Cụ thể, giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ, ước khoảng 25.685 tỷ đồng. Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ, ước  khoảng 6.555 tỷ đồng.

Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ước khoảng 737 tỷ đồng.  Điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/ND-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ, ước khoảng 1.093 tỷ đồng. Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2022) nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính ước khoảng 900 tỷ đồng.