Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán giải chấp cổ phiếu: “Sóng” chưa dừng

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đảm bảo an toàn vốn cho khoản vay ký quỹ, hàng loạt công ty chứng khoán đã liên tục thông báo bán giải chấp cổ phiếu của nhiều lãnh đạo DN.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, để cổ phiếu không bị bán giải chấp và sử dụng margin có hiệu quả, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ.

Hàng loạt lãnh đạo DN bất động sản bị bán giải chấp cổ phiếu

Mới đây, cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt liên tục bị bán giải chấp bởi hàng loạt công ty chứng khoán như: công ty CP chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) (4,3 triệu cổ phiếu), công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) (hơn 1,36 triệu cổ phiếu), tiếp đến là công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) (2,12 triệu cổ phiếu), công ty CP Chứng khoán MB (MBS) (hơn 1,6 triệu cổ phiếu)…

Trước đó, cổ phiếu của Chủ tịch DIC Corp (DIG) Nguyễn Thiện Tuấn và nhiều cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của DIG cũng bị bán giải chấp, theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), tổng cộng lên tới 8,6 triệu cổ phiếu DIG. Trong đó, ông Tuấn bị bán giải chấp hơn 3 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống còn gần 58,5 triệu đơn vị, tương đương 9,59% cổ phần. Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp cũng đã bị công ty chứng khoán (CTCK) bán giải chấp gần 1,4 triệu cổ phiếu DIG vào cuối tháng 10. Cổ đông lớn nhất của DIC Corp là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng đã bị bán 4,2 triệu cổ phiếu DIG, giảm sở hữu xuống còn gần 89,8 triệu cổ phiếu DIG.

Cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Tuấn Anh - thành viên độc lập HĐQT CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hoseco, mã HDC) và tổ chức có liên quan vừa bị bán giải chấp hàng trăm nghìn cổ phiếu HDC và giảm tỷ lệ sở hữu về gần 0%. Đây không phải lần ông Nguyễn Tuấn Anh và tổ chức có liên quan là đầu tư Thiên Anh Minh bị CTCK bán giải chấp cổ phiếu.

Theo thông báo mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết sẽ bán giải chấp 2,5 triệu cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ hôm qua cho đến khi đảm bảo đủ tỉ lệ về giao dịch ký quỹ theo quy định của công ty chứng khoán. Cùng lúc đó, chứng khoán MB cũng thông báo bán giải chấp tổng cộng hơn 1 triệu cổ phiếu của ông Đỗ Quý Hải cùng vợ (bà Chu Thị Lương) và em trai (ông Đỗ Quý Đường).

Nhà đầu tư nên làm gì?

Cổ phiếu bị bán giải chấp là tình huống không một nhà đầu tư nào mong muốn, khi tổng tài sản sụt giảm quá mức quản lý rủi ro của mình dẫn đến sự can thiệp của công ty chứng khoán. Đây là hành động các công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư, nhằm hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn theo quy định, thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu bị giảm xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư lại chưa nộp thêm tiền bù vào.

Thông thường trước khi bán giải chấp cổ phiếu, công ty chứng khoán sẽ thông báo để khách hàng biết trước. Nếu nộp thêm tiền, tài khoản ký quỹ sẽ trở lại ngưỡng an toàn, nhà đầu tư không bị bán giải chấp.

Đơn cử, mới đây, nhận được tin nhắn tài khoản đang bị bán, vợ Chủ tịch công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã CK: KHG) đã chủ động nộp tiền để ngưng giải chấp. Cụ thể, bà Trần Thị Thu Hương vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến người nội bộ. Theo đó, bà Trần Thị Thu Hương, vợ ông Nguyễn Khải Hoàn, Chủ tịch HĐQT KHG đã bán 3.519.700 cổ phiếu. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu bà Hương nắm giữ giảm từ 60.604.000 cổ phiếu, chiếm 13,67% xuống còn 57.084.300 cổ phiếu, chiếm 12,88%. Thời gian thực hiện giao dịch ngày 21/11. Hiện, ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT đang nắm giữ 141.269.500 cổ phiếu, chiếm 31,88% vốn điều lệ tại KHG.

Đáng chú ý, bà Trần Thị Thu Hương cho biết mục đích thực hiện giao dịch là do bị bán giải chấp được đưa ra là vì công ty chứng khoán cắt tỷ lệ margin đột ngột và không hề thông báo cho bà theo quy định của hợp đồng vay cá nhân. Theo đó, công ty chứng khoán tự ý bán cổ phiếu ngay mà không thông báo cho bà về thời gian bán, cũng như không cho bà thời gian bổ sung tài sản đảm bảo. Sau khi, bà Trần Thị Thu Hương nhận được tin nhắn báo tài khoản đang bị bán đã liên hệ ngay với công ty chứng khoán và chủ động nộp tiền bổ sung để ngưng việc bán giải chấp trong ngày.

Theo các chuyên gia, để cổ phiếu không bị bán giải chấp và sử dụng margin có hiệu quả, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ tỷ lệ ký quỹ tài khoản trước những biến động của cổ phiếu đang nắm giữ. Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin khi đã có kinh nghiệm lâu năm, am hiểu thị trường và doanh nghiệp, không nên margin vào những cổ phiếu có tính đầu cơ, chỉ sử dụng margin khi thị trường có xu hướng tăng rõ ràng, nhưng ở mức độ vừa phải, tạo một biên độ an toàn cho tài khoản. “Yếu tố hỗ trợ thị trường hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng. Vì thế, nhà đầu tư tạm thời vẫn cần thận trọng trước áp lực giải chấp đang tiếp diễn và cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường"- báo cáo của công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị.