Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn, có nhiều thành viên mới và trong bối cảnh mới có Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong tình hình mới.
Ảnh minh họa |
Qua báo cáo và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, khó khăn nổi lên trong 6 tháng đầu năm và cũng là khó khăn chung trong 5 năm qua khi thực hiện các dự án là khâu chuẩn bị dự án, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đối ứng, sự chậm trễ trong giải ngân, trình độ và năng lực của các ban quản lý dự án…Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quán triệt, thực hiện tốt các quy định mới trong Nghị định số 16 của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần khẩn trương xác định rõ chương trình, dự án, lĩnh vực nào được ưu tiên, phải được cấp phép, phải vay lại… Phải chú ý không tăng thêm các bước làm chậm quá trình, thủ tục chuẩn bị dự án; giảm bớt các thủ tục hành chính song vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Các bộ, ngành chức năng khác cũng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến huy động, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Về vấn đề huy động vốn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, hiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình; nhiều nguồn tài trợ, vốn hỗ trợ, ưu đãi bị cắt giảm. Các bộ, ngành cần quan tâm xây dựng kế hoạch vận động thích hợp cho quá trình chuyển từ vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang vốn vay có mức độ ưu đãi kém hơn. Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ KH&ĐT, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để tạo ra lộ trình phù hợp, chuyển tiếp thành công vốn vay sang các khoản vay có mức độ ưu đãi kém hơn mà không để ảnh hưởng đến thành quả đạt được trong huy động và sử dụng nguồn vốn thời gian qua. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay, trong đó có tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân, bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án; bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, có sự phối chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong công tác này; nâng cao năng lực cũng như cần tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các ban quản lý các dự án ODA và vay ưu đãi.