Đây là phần bàn giao đất đợt 3 và cũng là phần đất cuối cùng được bàn giao để phục vụ cho việc mở rộng sân bay.
Bắt đầu triển khai từ năm 2012, trải qua 6 năm thực hiện với tổng kinh phí 110 triệu USD, đến nay dự án xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin đã hoàn thành. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai Chính phủ và giúp cải thiện môi trường sạch và an toàn hơn cho người dân Đà Nẵng.
Dự án đã xử lý thành công hơn 90.000 khối đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 khối đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp. Hai bên cũng lấy mẫu đất, trầm tích sau xử lý để khẳng định kết quả xử lý đạt mục tiêu làm sạch là 150 phần nghìn tỷ (ppt). Đất sau xử lý giai đoạn 1 có nồng độ dioxin thấp hơn 9 ppt và giai đoạn 2 có nồng độ còn thấp hơn nữa.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Kết quả dự án đã chứng minh tính hiệu quả và ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực môi trường, kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng, đối ngoại…; đem lại những bài học về công tác quản lý giám sát, vận hành và ứng dụng công nghệ trong hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/Dioxin; đồng thời thể hiện sự cam kết và hợp tác hiệu quả của Chính phủ Hoa Kỳ, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân Việt Nam về một môi trường sống không còn bị ô nhiễm chất độc dioxin.
Sau thành công của Dự án xử lý chất độc Dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cam kết tiếp tục xử lý Dioxin ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), đây là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Ngày 11/5/2018, USAID đã ký thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không - Không quân khoản đóng góp kinh phí dự kiến 183 triệu USD phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại khu vực sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm.