Cao tốc không đạt chuẩn, hư hỏng, xuống cấp
Bộ Công an vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về các vấn đề liên quan đến 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2021. Trong đó, Bộ Công an đánh giá có 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn nên xảy ra nhiều va chạm, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác. Cụ thể, các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nha Trang - Cam Lâm, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 4 làn xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp, trên tuyến bố trí 1 điểm dừng xe khẩn cấp khoảng cách 4 - 5km. Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan chỉ có 2 làn xe, chưa đạt chuẩn cao tốc.
Về tổ chức giao thông trên các tuyến, Bộ Công an cho rằng còn nhiều bất hợp lý như hàng rào lưới thép chưa khép kín nên người dân vẫn có thể đi bộ, điều khiển xe máy, ba gác cùng gia súc đi vào. Cụ thể là cao tốc tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.
Không những vậy, theo Bộ Công an, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vừa khai thác vừa thi công, gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe. Một số tuyến cao tốc sau khi khai thác đã xuống cấp, hằn lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm khắc phục, sửa chữa như: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn La Sơn - Cam Lộ. Ngoài ra, cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau thời gian dài khai thác, mặc dù lưu lượng xe tăng cao nhưng đoạn Yên Bái - Lào Cai vẫn chưa được đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo quy hoạch.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hàng loạt tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã bộc lộ bất cập như xuống cấp, hằn lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm khắc phục, sửa chữa… là vấn đề quan trọng cần được giải quyết, khắc phục, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Cũng chính bởi hạ tầng đường cao tốc còn bất cập như đường quá hẹp, không có làn khẩn cấp… nên hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam mới được đưa vào khai thác bị giới hạn tốc độ, chỉ được chạy tối đa 80km/h khiến chủ phương tiện cảm thấy ngao ngán và cho rằng, quy định tốc độ này chưa tương xứng với đường cao tốc. “Với xe ô tô, tốc độ trung bình theo thiết kế bây giờ là 100 - 120 km/h. Vì thế cao tốc để giới hạn tốc độ 120 km/h mới là hợp lý. Để thấp hơn, 80 - 90 km/h thì không thể gọi là cao tốc” - chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Quy hoạch hạ tầng giao thông phải có tầm nhìn chiến lược
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, những hạn chế, bất cập tại 7 tuyến cao tốc mà Bộ Công an chỉ ra là hoàn toàn chính xác. “Những hạn chế, bất cập này đã được nói đến từ lâu chứ không phải bây giờ mới có” – TS Nguyễn Hữu Đức nói. Theo chuyên gia này, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên
nhiều đường cao tốc ở nước ta, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã phải đầu tư xây dựng không đạt đúng chuẩn cao tốc, cụ thể là chỉ xây được 2 làn. Việc những đường cao tốc chỉ xây dựng 2 làn, không có làn dừng khẩn cấp không chỉ không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để các phương tiện lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Để giải quyết nhưng bất cập trên, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT có lộ trình cụ thể nâng cấp, cải tạo 7 tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc; triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông với các tuyến đang khai thác. Bên cạnh đó, với các tuyến đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, Bộ Công an đề nghị có phương án kết nối Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông; phối hợp khai thác hệ thống camera để phục vụ giám sát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý vi phạm qua hình ảnh và tình huống phức tạp.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, việc mở rộng, nâng cấp các tuyến cao tốc chưa bảo đảm chất lượng như Bộ Công an đề ra là điều cần phải làm. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, cần chấm dứt “bệnh thành tích" trong công tác xây dựng đường cao tốc. “Bây giờ người ta chỉ quan tâm xây dựng được bao nhiêu tuyến cao tốc, có bao nhiêu km cao tốc được đưa vào khai thác mà quên đi việc những tuyến cao tốc đó phải bảo đảm đúng quy chuẩn chất lượng đường cao tốc” - TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Còn nhớ tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng từng nêu vấn đề: "Trước đây, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 không chú ý đến xây dựng trạm dừng nghỉ nên hiện nay đang phải làm bù. Các đơn vị phải tập trung vào làm, hoàn tất các thủ tục, tiêu chuẩn. Với các quy chuẩn đã có ý kiến thông qua, phải làm nhanh, quyết liệt, đấu thầu rất nhanh để chọn các nhà đầu tư thì mới kịp khi giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam xong thì giai đoạn 1 cũng phải hoàn thành hệ thống các trạm dừng nghỉ".
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông trên một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong đó, Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo về chủ trương và lộ trình dự kiến để nâng cấp, mở rộng đối với các dự án đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn – Quốc lộ 45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Hà Nội - Thái Nguyên, Cam Lộ - La Sơn. Đối với các vấn đề cần khắc phục bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến đường đang khai thác, tuyến cao tốc được đưa vào khác thác tạm, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, có trách nhiệm rà soát, sớm xử lý các bất cập về tổ chức giao thông theo quy định ,báo cáo về Bộ trước ngày 5/11/2023.
Theo Bộ GTVT, để hiện thực hóa mục tiêu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng. Thời gian qua, nguồn lực Nhà nước dành cho đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc ngày càng gia tăng. Năm 2023, Bộ GTVT được giao số vốn lớn nhất từ trước tới nay (trên 95.000 tỷ đồng) để triển khai thực hiện các dự án, trong đó có các tuyến cao tốc. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện các tuyến giao thông lớn, huyết mạch. Nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành mục tiêu trên và bảo đảm chất lượng công trình, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, việc quy hoạch hạ tầng giao thông cần phải có tầm nhìn chiến lược.
Cao tốc khi đưa vào khai thác khoảng 5 - 10 năm mà đã phải đặt vấn đề nâng cấp, mở rộng thêm làn xe là một thiếu sót của cả tư vấn và người quyết định đầu tư. Nâng cấp đường cao tốc mở rộng thêm làn xe đường cao tốc là một việc cực kỳ khó khăn và tốn kém chứ không phải là đơn giản. Cho nên những quốc gia phát triển, khi phát triển đường cao tốc, người ta luôn tính lưu lượng xe khoảng 25 năm sau.
Nguyên Trưởng bộ môn Đường bộ, Trường Đại học GTVT Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quang Toản
Bộ GTVT cho rằng, ngân sách khó khăn, nguồn lực xã hội hóa hạn chế nên 11 tuyến cao tốc được xây dựng giai đoạn 2017 - 2021 đều được phân kỳ đầu tư. Giai đoạn đầu phải xây dựng quy mô 2 hoặc 4 làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng khẩn cấp), đến khi có nguồn vốn sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng.