Băn khoăn tổ chức lại vận tải hành khách

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa đề xuất một kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách (VTHK) trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, kế hoạch này đang khiến không ít DN và cả cơ quan quản lý địa phương băn khoăn, bối rối.

Giám sát chặt
Bộ GTVT vừa lấy ý kiến các địa phương chuẩn bị trình Chính phủ Kế hoạch tổ chức hoạt động VTHK của 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, VTHK đường bộ sẽ nới lỏng từng phần theo nhiều giai đoạn, ưu tiên khôi phục mạng lưới vận tải công cộng tại các địa phương; VTHK liên tỉnh sẽ do các Sở GTVT tham mưu cho UBND các tỉnh, TP, căn cứ trên diễn biến thực tế của dịch bệnh để tổ chức hoạt động. Đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt đặt mục tiêu khôi phục bình thường, riêng hàng không chỉ duy trì các đường bay nội địa.
 Xe khách xếp tại bến Mỹ Đình, Hà Nội trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Công Hùng
Một trong những vấn đề được người dân, DN và các địa phương quan tâm nhất là VTHK bằng đường bộ, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 5 loại hình VTHK hiện nay. Với loại hình này, Bộ GTVT đề xuất, VTHK theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch; vận chuyển học sinh, sinh viên, Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định.
Trong đó xe hợp đồng (trừ trường hợp vận chuyển học sinh, sinh viên), du lịch không được chở quá 50% số người được phép chở cho đến khi thực hiện trạng thái bình thường mới. VTHK theo tuyến cố định liên tỉnh sẽ do Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu để UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại và thực hiện theo từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương.

Liên quan đến đề xuất này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết đã có văn bản góp ý gửi tới Bộ GTVT. “Về cơ bản Sở thống nhất với kế hoạch của Bộ. Tuy nhiên cần yêu cầu các DN lập sổ theo dõi hoạt động của người lái xe. Ngoài ra, hành khách bắt buộc phải khai báo y tế trước mỗi chuyến đi để kiểm soát chặt chẽ hơn, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời đảm bảo việc truy vết khi có rủi ro” - vị này cho hay.

Nhiều khúc mắc chưa được tháo gỡ

Điều đáng nói là trong khi Bộ GTVT sốt sắng thì không ít DN lại tỏ ra khá thờ ơ với kế hoạch khôi phục VTHK nêu trên. Lãnh đạo một DN vận tải tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: “Với tình hình này và bản kế hoạch mà Bộ GTVT đưa ra, chúng tôi thà không chạy lại còn hơn”. Vị này lý giải, hiện nhiều địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh rất “căng”. Giả sử Hà Nội cho VTHK liên tỉnh hoạt động lại nhưng các địa phương đối lưu không tiếp nhận thì xe và khách cũng không đến được. Nhiều tỉnh yêu cầu người dân từ Hà Nội về phải cách ly y tế 14 ngày, phải có xét nghiệm PCR hoặc tiêm đủ hai mũi vaccine.
“Phần lớn hành khách khó đáp ứng được các điều kiện này, nhất là việc phải cách ly dài ngày nên thà họ không đến còn hơn, khôi phục lại các tuyến VTHK liên tỉnh cũng sẽ không có khách. Những vấn đề đó Bộ GTVT đã tính toán hết chưa?” - vị này nói.

Nhiều DN lại tỏ ra khá bối rối và lo lắng, nếu Bộ GTVT cho khôi phục lại hoạt động VTHK liên tỉnh mà đơn vị kinh doanh không đảm bảo lượt chuyến theo quy định, liệu có bị xử phạt, cắt nốt, bỏ tuyến hay không? Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng đặt vấn đề, với nhiều tuyến VTHK liên tỉnh, địa phương này cho đi nhưng địa phương khác không cho đến; Hà Nội cho chạy nhưng các tỉnh không tiếp nhận hoặc không cho đi qua, liệu Bộ GTVT có can thiệp được hay không? Chế tài nào để đảm bảo vận tải thông suốt?

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng đã góp ý với Bộ GTVT, trường hợp cho chạy lại tuyến VTHK liên tỉnh, các địa phương phải thống nhất được với nhau. Tuy nhiên, việc thống nhất được hay không phải do UBND cấp tỉnh quyết định, quá trình này có thể đòi hỏi rất nhiều thủ tục, thời gian và chưa chắc đã thành công.

TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân chia sẻ: “Việc tính toán khôi phục lại VTHK là cần thiết nhưng phải được làm đến nơi đến chốn, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả. Vận tải hàng hóa có “luồng xanh” để duy trì hoạt động, thì tại sao VTHK lại không có một “luồng xanh” tương tự?”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc khôi phục VTHK, đặc biệt là VTHK liên tỉnh là có cơ sở để thực hiện nhưng kế hoạch của Bộ GTVT lại chưa nêu đúng, trúng những vấn đề mà DN và các địa phương quan tâm.