Băn khoăn về tính khả thi của Dự án Luật Việc làm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/4, tại Phiên họp thứ 17, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật Việc làm trước khi trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Dự án Luật Việc làm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm việc làm của người lao động có quan hệ lao động; việc làm của người lao động không có quan hệ lao động… Dự án Luật đã được rút gọn xuống còn 7 Chương 61 Điều so với lần cho ý kiến đầu tiên (112 Điều).

Thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm, nhưng cơ quan thẩm tra dự án là Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần cụ thể hóa hơn một số quan điểm. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập hợp lý và chất lượng việc làm tốt hơn; xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động… Việc bổ sung chính sách mới là chương trình việc làm công được tán thành bởi đối tượng hướng tới là lao động không có tay nghề, lao động thuộc các hộ nghèo…

Băn khoăn về tính khả thi của Dự án Luật Việc làm - Ảnh 1

Dự án Luật Việc làm nên xem xét lại các nguyên tắc, theo đó mỗi người lao động đều được đảm bảo cơ hội có việc làm. Ảnh: Việt Linh

Một vấn đề được các thành viên UBTVQH tán thành là chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong Luật Bảo hiểm xã hội về Dự án Luật Việc làm. Tuy nhiên, Dự án Luật cần quy định các tiêu chí mang tính nguyên tắc đối với mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHTN và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Điều khiến nhiều thành viên UBTVQH băn khoăn vẫn là tính khả thi của Dự án Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Dự án Luật này sẽ giải quyết các vấn đề mang ý nghĩa xã hội, chính trị, nhưng cần cụ thể hơn những thông tin về thị trường lao động hoặc các tác động của chính sách, liên quan đến ngân sách. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phải rà soát để bớt những điều mang tính Nghị quyết. Ngoài ra, nên xem xét lại các nguyên tắc việc làm. Theo đó, mỗi người lao động đều được đảm bảo cơ hội việc làm, vậy Nhà nước có đảm bảo được không?.

Đánh giá cao tính nhân văn của Dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Luật cần thể hiện rõ tình hình việc làm hiện nay, với từng nhóm đối tượng khác nhau, để có biện pháp giải quyết khác nhau. Hiện mới có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67,2% lao động không có quan hệ lao động, vậy cần phải thiết kế chính sách, biện pháp phù hợp với đối tượng lao động này. Đồng thời, chú ý tính thống nhất đồng bộ với các văn bản luật khác, để đảm bảo tính khả thi của luật và tính đến cả việc cân đối nguồn lực để thực hiện. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo phải có những cập nhật tình hình lao động để thấy được tính cấp thiết để ban hành luật này, gắn với chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, sau đó thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

Chiều cùng ngày, UBTVQH tiếp tục góp ý vào những vấn đề quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, Dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).