Băn khoăn việc tăng giờ làm thêm/tháng vượt khung quy định

Oanh Trần - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đang tổng hợp ý kiến đề xuất cho phép điều chỉnh tăng giờ làm thêm/tháng cho một số ngành, nghề, lĩnh vực. Các chuyên gia lao động đồng ý nhưng khuyến nghị cân nhắc tăng thời gian làm thêm lên mấy giờ/ngày mà vẫn đảm bảo sức khỏe của người lao động (NLĐ) và không vi phạm quy định quốc tế.

Đề xuất làm thêm trên 40 giờ/tháng
Các DN đang thiếu lao động là hiện hữu, đặc biệt ở khu vực phía Nam thời gian qua có 19 tỉnh bị cách ly do ảnh hưởng bởi Covid-19 quá nặng; nhiều lao động đã về quê tránh dịch. Để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng ổn định cũng như thực hiện đơn hàng đảm bảo tiến độ theo hợp đồng, các hiệp hội, DN đề xuất điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng. Về việc này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang tổng hợp ý kiến của các đối tượng tác động, nhất là các DN, hiệp hội để từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực ngành nghề thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng không vượt quá 300 giờ/năm. Hơn nữa, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Bộ cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Bộ LĐTB&XH đang tổng hợp ý kiến đề xuất cho phép điều chỉnh tăng giờ làm thêm/tháng cho một số ngành, nghề, lĩnh vực. Ảnh: Ánh Ngọc.
Liên quan đến đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ/tháng, trước đó Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)  cho biết, nhiều DN nằm trong vùng phong tỏa, cách ly phải cho NLĐ nghỉ việc, giãn việc. Khi DN mở cửa trở lại thì áp lực hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ. Tuy nhiên, Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời gian làm thêm không quá 40 giờ trong 1 tháng. Vì thế VITAS đã đề xuất Nhà nước cho phép DN sau thời gian phong tỏa được bố trí thời gian làm thêm quá quy định 40 giờ/tháng để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. DN vẫn sẽ bù trừ thời gian làm thêm các tháng để đảm bảo không quá 300 giờ/năm theo quy định.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Đình Lập đồng ý với đề xuất điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ. Hiện nay DN  chỉ còn gần 300 công nhân so với 1.000 trước đây, vì thế vấn đề khó nhất là lao động và vaccine. “2 năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch, công ty bị thiếu hụt đơn hàng, khó khăn về tài chính nên đã phải giảm lớn lượng lao động. Hiện nay, chúng tôi có nhiều đơn hàng nhưng lại không tuyển được NLĐ để sản xuất; trong khi đó lại bị rất nhiều các ngành nghề khác cạnh tranh, thu hút lao động từ ngành may sang “ – ông Nguyễn Đình Lập cho hay.
 Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất Nhà nước cho phép DN thời gian làm thêm quá quy định 40 giờ/tháng để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Ảnh: Ánh Ngọc.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, làm thêm giờ phải được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày, không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong 1 năm. Khung làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm được áp dụng cho ngành nghề: Dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản.
Tăng thời gian làm thêm giờ theo từng doanh nghiệp
Các chuyên gia lao động đều đồng ý với đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ theo tháng để giải bài toán thiếu hụt lao động trước mắt. Cũng bởi, trong lúc này rất cần phải chia sẻ với những khó khăn của NSDLĐ và Nhà nước và cũng là đáp ứng nhu cầu thu nhập của NLĐ. Tuy nhiên, PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị: “Nhà nước nên quy định rõ thời hạn thực hiện tăng giờ làm thêm. Và, không nên quy định thời gian làm thêm cho ngành nghề mà áp dụng đối với những DN sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc sản xuất các sản phẩm phục vụ DN sản xuất hàng xuất khẩu. Qua đó để tránh trường hợp, có những DN thuộc ngành nghề được tăng giờ làm thêm nhưng không có việc làm; trong khi đó nhiều ngành nghề không được điều chỉnh giờ làm thêm lại rất cần tăng thêm. Tăng giờ làm thêm là phục vụ xuất khẩu, đảm bảo tiến độ thời gian theo hợp đồng để giữ được uy tín và không bị phạt”.
Một vấn đề nữa được ông Dương Văn Sao đề nghị hết sức cân nhắc khi điều chỉnh tăng giờ làm thêm. Đó là, luật cho phép số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Nhưng nếu ngày nào NLĐ cũng làm 12 tiếng liên tục thì sẽ không đảm bảo sức khỏe.
 Công nhân đang làm việc tại Nhà máy chế biến trứng gia cầm thuộc Công ty CP Ba Huân tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc.
PGS.TS Giang Thanh Long – Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khi nguồn cung lao động hiếm, DN muốn phục hồi sản xuất thì tăng giờ làm thêm là hợp lý. Vì thế, Nhà nước có thể cho phép các DN nới lỏng hơn một chút về điều kiện tăng thời gian làm thêm giờ nhưng phải đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho NLĐ. Việc tăng thời gian làm thêm lên bao nhiêu giờ trong 1 tháng, mấy giờ trong 1 ngày tùy thuộc vào loại hình DN, đơn hàng; bởi mỗi đơn vị lại có nhu cầu khác nhau nên họ sẽ sắp xếp và đảm bảo các quy định của pháp luật. Ví dụ, DN nào có đơn hàng không quá gấp thì thời gian làm thêm từ 1 – 2 giờ/ngày; DN có đơn hàng rất gấp do mấy tháng dừng hoạt động, số giờ làm thêm tăng lên kịch khung 4 giờ/ngày. Hiện nay, theo quy định, thời gian làm bình thường và làm thêm giờ không quá 12 giờ/ngày nhưng có những NLĐ sẵn sàng làm 13 – 14 tiếng/ngày, nghĩa là làm thêm 5 - 6 giờ/ngày thì phải có cam kết của NLĐ và NSDLĐ đảm bảo về sức khỏe và an toàn.  
Một vấn đề được các chuyên gia hết sức lưu ý đó là ngoài việc thực hiện quy định khung làm thêm giờ theo quy định của Nhà nước, DN còn phải chú ý đến quy định quốc tế khi chúng ta đã tham gia các hiệp định liên quan đến tự do thương mại. Bởi vì trong trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc bắt NLĐ làm việc quá giờ hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh cho NLĐ thì lô hàng khó có thể xuất khẩu sang các nước có ký hiệp định thương mại thế hệ mới.