Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản lĩnh người chiến sĩ công an trong trận chiến chống dịch

Bài, ảnh: Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với Thiếu tá Mai Văn Đạo - Phó Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), kỷ niệm khó quên nhất trong những ngày chống dịch Covid-19 đó là khoảng thời gian anh nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, “nằm vùng” hơn một tháng liên tục trong ổ dịch “nóng” nhất Hà Nội.

Thiếu tá Mai Văn Đạo nhớ lại, sau khi phát hiện những trường hợp F0 đầu tiên tại ngõ 328 - 330 đường Nguyễn Trãi vào ngày 23/8, quận Thanh Xuân đã nhanh chóng thiết lập vùng cách ly tại 2 ngõ này đối với 700 hộ dân, với khoảng 2.000 nhân khẩu. Đồng thời, có quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt, gồm 51 thành viên, bao gồm lực lượng công an, dân quân tự vệ, y tế, tình nguyện viên làm nhiệm vụ, sinh hoạt ngay tại “tâm dịch”. Để đảm bảo điều kiện ăn ở tập trung trong khu vực phong tỏa, Tổ công tác đã trưng dụng một trường học trên địa bàn làm nơi ăn nghỉ và làm việc.
 Thiếu tá Mai Văn Đạo tại ''tâm dịch'' phường Thanh Xuân Trung.
“Trong thời gian phong tỏa, Tổ công tác đặc biệt luôn duy trì tuần tra cả ngày lẫn đêm, thường xuyên thay nhau túc trực tại các chốt, duy trì 13 chốt trực 24/24 giờ hàng ngày. Đặc biệt, các thành viên trực tiếp tuyên truyền Nhân dân chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19; vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm đến tận nhà; sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có yêu cầu. Bất kể trời nắng hay mưa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cũng như những phần quà hỗ trợ từ các nơi chuyển đến, đều được các thành viên trong tổ kịp thời trao đến tận tay người dân trong khu vực cách ly” - Thiếu tá Mai Văn Đạo chia sẻ.
Một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các thành viên tổ công tác, đó là cùng các cán bộ y tế đến từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; trực tiếp mời, gọi và hướng dẫn công dân thuộc diện F0, F1 đi chữa bệnh và cách ly tập trung. Những ngày phát sinh nhiều ca F0, dù đồng hồ điểm 12 giờ đêm, hay 2 - 3 giờ sáng, các thành viên trong tổ luôn trong trang phục bảo hộ, làm việc liên tục và khẩn trương, chia nhau gõ cửa từng nhà để mời từng trường hợp thuộc diện đi chữa bệnh, cách ly.
Trường hợp người già yếu, các thành viên trong tổ thay nhau dìu, cõng, khiêng bằng cáng; với trẻ nhỏ thì bế bồng. Thậm chí, có ông cụ ngoài 70 tuổi, gần 20 năm nằm liệt trên gác mái nhỏ trong một căn hộ tập thể cũ, nhưng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Thiếu tá Mai Văn Đạo cùng các thành viên trong tổ công tác đã kiên trì hàng giờ thuyết phục, hỗ trợ cắt tóc cho cụ; sau đó hợp sức khiêng cụ xuống khỏi căn phòng nhỏ và đưa đi chữa bệnh, cách ly theo quy định. Có thời điểm, tình nguyện viên hăng say làm nhiệm vụ đến nỗi bị ngất, 10/51 thành viên trong tổ công tác bị sốt xuất huyết, nhưng cả tổ không nao núng tinh thần, thay nhau đảm nhận công việc.
Khi ngõ 328 - 330 đường Nguyễn Trãi chính thức được dỡ lệnh phong tỏa vào 0 giờ ngày 29/9, Nhân dân được trở về nhà an toàn, nhiều người không giấu nổi sự vui mừng, xúc động, đã gửi lời cảm ơn đến các thành viên trong tổ công tác giữ gìn bình yên cho 2 ngõ trong những ngày phong tỏa, cách ly. Đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc, là động lực đối với các thành viên tổ công tác “nằm vùng” hơn một tháng liên tục trong “tâm dịch”. Với Thiếu tá Mai Văn Đạo, trong trận chiến chống “giặc” Covid-19, chỉ có sự bình yên, an toàn của Nhân dân mới thực sự ý nghĩa.