Kinhtedothi - Diễn ra tại Pháp chỉ hơn 2 tuần sau khi nước này trải qua vụ khủng bố liên hoàn, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) là cơ hội khẳng định bản lĩnh và quyết tâm của Paris trước những vấn đề mang tính toàn cầu.
Thời điểm đặc biệt
Cùng lúc ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau vụ việc ngày 13/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, COP21 (30/11 – 1/12) tại Paris vẫn diễn ra theo đúng lịch trình. Đây là lần đầu tiên hội nghị với sự tham dự của gần 150 nguyên thủ các nước cùng 50.000 người đăng ký này được tổ chức trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Để bảo đảm an ninh, Pháp đã huy động tối đa lực lượng với 120.000 cảnh sát, hiến binh và quân nhân được triển khai trên toàn quốc; 8.000 cảnh sát được huy động kiểm soát các cửa khẩu và biên giới; 3.000 cảnh sát và hiến binh cho Thủ đô Paris.
Vấn đề khủng bố đã nổi lên trong chương trình nghị sự của hầu như mọi hội nghị quốc tế gần đây, bất chấp đó là G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ hay APEC tại Philippines. Có thể thấy sự kiện tối 13/11 tại Paris với mức độ nghiêm trọng đã làm “lu mờ” các mục tiêu phát triển khác, trong đó có ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khủng bố - vấn đề mà cả thế giới đang tập trung quan tâm chỉ là mối đe dọa trước mắt, trong khi mối đe dọa lâu dài là sự ấm lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính lại bị lơi là. Các dữ liệu về khí hậu đưa ra tiệm cận COP21 cho thấy: 2015 dự kiến là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Trong bối cảnh đó, Pháp càng cần thể hiện trách nhiệm và nỗ lực để có một COP21 thành công.
Thông điệp kép
Trong 3 ngày (20 – 22/11), cách hôm khai mạc COP 21 một tuần, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vẫn thực hiện chuyến công du tới 3 nước được coi là có vị trí và tiếng nói then chốt để đi tới thỏa thuận khí hậu tại hội nghị lần này là Ấn Độ, Nam Phi và Brazil. Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Nam Phi có vị thế trong Liên minh châu Phi và đang làm Chủ tịch nhóm G77, còn Brazil lại là nước có nạn chặt phá rừng tồi tệ nhất thế giới.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của Pháp trong suốt một năm qua nhằm kêu gọi nỗ lực và hành động trả lại “lá phổi xanh” cho Trái đất cũng đã đem lại “trái ngọt”. Dưới tác động của Pháp, 2 cường quốc với lượng khí thải lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, vốn từng tỏ thái độ tiêu cực trước vấn đề này, đều cam kết nâng mức giảm khí thải cho tới năm 2030. Hiện đã có 170/196 thành viên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) nộp bản đóng góp và cam kết giảm khí thải CO2 cho Ban Thư ký COP21. Đây là một kết quả khả quan khi 170 nước nói trên chiếm 90% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Với mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2°C vào cuối thế kỷ XXI, nếu các nước đi đến được thỏa thuận cuối cùng, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm đàm phán về chống biến đổi khí hậu thuộc khuôn khổ LHQ, cộng đồng quốc tế đạt được một hiệp ước toàn diện mang tính ràng buộc về pháp lý với sự tham gia của tất cả các quốc gia, phát triển và đang phát triển.
Trong bối cảnh cả thế giới đang hướng về nước Pháp vì nỗi đau của sự kiện ngày 13/11, quyết tâm tổ chức thành công COP21 sẽ là thông điệp kép khẳng định ý chí của Paris: Đoàn kết ngăn chặn nguy cơ khủng bố và chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị được tổ chức tại Pháp năm nay thu hút hơn 150 lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
|
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự COP21 tại Paris từ ngày 30/11 - 1/12. Sau đó, trong ngày 2/12, Thủ tướng sẽ thăm làm và việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU). |