KTĐT - Giá nhà đất ở Hà Nội, nhất là khu vực quận Hà Đông đang lên “cơn sốt”. Nhân lúc thị trường đang nóng, không ít chủ đầu tư tranh thủ “đẩy” hàng ra thị trường. Tình trạng bán nhà trên giấy, chưa xong móng để huy động vốn, bán căn hộ không qua sàn giao dịch... bắt đầu tái phát ào ạt.
Mỗi tháng tăng giá 1 lần
Một trong những tâm điểm của “cơn sốt” nhà đất hiện nay ở Hà Đông là khu căn hộ Usilk City (Văn Khê, Hà Đông). Tháng 4-2009, anh T, một nhà đầu tư tại Hà Nội đã ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư khu Usilk City, điều kiện là được hưởng quyền “ưu tiên” mua căn hộ của dự án này với giá ưu đãi 750 USD/m2 sàn. Nhưng đến tháng 10-2009, khi được mời đến ký hợp đồng mua bán căn hộ, anh T mới biết, giá mỗi mét vuông căn hộ anh sẽ phải trả là 1.280 USD. Chủ đầu tư giải thích, giá góp vốn là tính trên mét vuông sàn, bao gồm 25% diện tích sử dụng chung và 75% diện tích sử dụng riêng, khi ký hợp đồng mua bán chủ đầu tư chỉ được quyền bán diện tích sử dụng riêng nên giá phải... “đội lên”.
Tuy thế, chỉ phải chịu mức giá 1.280 USD/m2 như anh T còn rẻ chán bởi giá chào bán tại Usilk City thời điểm này đã cao hơn nhiều. Tại khu căn hộ mẫu Usilk City, một nữ nhân viên cho biết, giá bán căn hộ tại dự án này hiện ở mức bình quân 1.800 USD/m2. Cũng theo nữ nhân viên này, trong vòng 3 tháng vừa qua, chủ đầu tư đã 3 lần tăng giá bán căn hộ Usilk City và số lượng căn hộ của dự án hiện cũng không còn nhiều(?). Thậm chí, cô này còn đưa ra bảng giá chào bán cả căn hộ thuộc tòa CT1-102 (28 tầng) với giá 1.846 USD/m2 mà theo cô là “chưa khởi công làm móng”(?). Trả lời thắc mắc của chúng tôi là nhà chưa xong móng thì chỉ ký hợp đồng góp vốn thôi phải không, cô nhân viên chào “hàng” ngay: “Chúng em làm hợp đồng chuyển nhượng, không phải góp vốn...”.
Tìm mãi trong khu vực nhà mẫu của dự án không thấy treo biển sàn giao dịch bất động sản, chúng tôi hỏi nhân viên thì được biết, giao dịch sẽ được thực hiện tại khu nhà mẫu với phòng kinh doanh của chủ đầu tư thay vì qua sàn. Trấn an chúng tôi về tính pháp lý của giao dịch, nhân viên ở đây cho biết: “Công ty chưa kịp lập sàn giao dịch nhưng khách hàng hoàn toàn yên tâm khi ký hợp đồng với phòng kinh doanh. Rất nhiều người đã mua từ trước, không riêng gì anh chị...”. Trong khi đó, theo các quy định tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP, bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc diện phải qua sàn giao dịch bất động sản mà không thông qua sàn giao dịch theo quy định sẽ bị phạt từ 50-60 triệu đồng.
Mua nhà kiểu tù mù
Với mức giá căn hộ lên đến 1.800 USD/m2 nhưng bản phụ lục về danh mục vật liệu sử dụng cho căn hộ mà chủ đầu tư công bố kèm hợp đồng mua bán tại Usilk City rất tù mù. Ngoại trừ máy điều hòa được ghi là hãng LG hoặc... tương đương, còn lại tất cả các hạng mục khác đều ghi mập mờ. Chẳng hạn, sơn tường: sơn nước; gạch lát sàn: cao cấp; thiết bị vệ sinh: cao cấp... Người mua nhà không thể biết sản phẩm nhà trong tương lai của mình chất lượng ra sao; nếu giả sử nhận được một sản phẩm không như ý thì cũng không biết bấu víu vào đâu để khiếu nại.
Thị trường thiếu minh bạch, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả là nguyên nhân của tình trạng thị trường bị thao túng, thậm chí ngay cả chủ đầu tư cũng tham gia “làm xiếc” đẩy giá vô tội vạ, tạo ra khan hiếm giả tạo, bán hàng khi chưa làm móng... GS.TSKH Đặng Hùng Võ, cố vấn cao cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, điểm chưa chặt chẽ của luật pháp hiện nay là cho phép chủ đầu tư huy động góp vốn thực hiện dự án bất động sản, tức là cho phép bán tài sản hình thành trong tương lai nhưng lại không có bất kỳ cơ chế nào giám sát việc mua bán đó. Mọi việc hoàn toàn trông chờ vào đạo đức của nhà đầu tư và người mua do vậy luôn luôn là người nắm “đằng chuôi”.
Trả lời câu hỏi vì sao người dân, nhà đầu tư thường đổ xô đi mua nhà trên giấy để rồi phải chịu rủi ro, một quan chức Bộ Xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là nhu cầu nhà đất rất lớn trong khi cung lại ít. Bên cạnh đó, là sự thiếu chuyên nghiệp ở phía người mua. Người dân khi có nhu cầu song chưa hiểu rõ, thiếu thông tin thì phải tìm hiểu kỹ càng trước khi giao dịch nếu không rất dễ bị thua thiệt.
Thêm vào đó, người Việt Nam hay bị tác động bởi đồn thổi, chạy theo phong trào, ít phân tích. Trong khi đầu tư theo kiểu phong trào, nghe đồn thổi sẽ rất nguy hiểm. “Bản thân người tiêu dùng cũng phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Đầu tư cũng cần chuyên nghiệp, không hiểu biết thì phải tìm tư vấn có hiểu biết, không nên a dua, đầu tư theo lời đồn thổi” - ông này cho biết.