Bản quyền phần mềm nội bị bỏ quên
Chưa quan tâm đúng mức
Không thể phủ nhận trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực chống vi phạm bản quyền phần mềm, cải thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ bản quyền phầm mềm. Vì thế, đến nay, Việt Nam đã ra khỏi top 10 nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới, khi tỷ lệ vi phạm giảm dần (giai đoạn 2007 - 2009: 85%, từ năm 2010 đến nay: 83%).
Năm 2011, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Quản lý thị trường và Liên minh phần mềm doanh nghiệp thế giới (BSA) đã tiến hành hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra việc sử dụng bản quyền phần mềm tại các địa phương trên cả nước. Qua đó phát hiện hơn 10 đại lý bán máy tính của HP, Dell, Lenovo, Asus, Acer… cài đặt các bản sao không bản quyền, ước tính giá trị phần mềm bị thu giữ hơn 1 tỷ đồng. Nhưng đáng nói, hoạt động thanh tra mới chỉ tập trung về tình hình vi phạm bản quyền của những phần mềm "ngoại" của Microsoft, Cisco... chưa dành sự quan tâm đúng mức cho các phầm mềm "nội". Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đánh giá, đây là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp phần mềm Việt Nam không phát triển được. Các phần mềm Việt thường xuyên bị vi phạm bản quyền, thậm chí có phần mềm vừa ra mắt đã bị "bẻ khóa" rồi bán lại với giá "bèo".
Từ góc độ doanh nghiệp (DN), ông Trần Văn Huệ, Giám đốc Công ty Nhất Nghệ tỏ ra lo lắng: "Tình trạng vi phạm bản quyền làm giảm đáng kể cơ hội và doanh thu của DN khiến họ nản lòng, không muốn đầu tư phát triển, người sử dụng cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Đa phần người sử dụng nghĩ rằng sử phầm phần mềm "lậu" giúp tiết kiệm đầu tư ban đầu, nhưng về lâu dài, việc này có thể gây tổn thất rất lớn cho họ như mất quyền riêng tư, gặp rủi ro về tài chính khi trở thành đích nhắm của tội phạm công nghệ…".
Một văn bản… thừa?
Để quản lý chặt hơn quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) sản xuất trong nước, ngày 26/12/2011, Bộ TT&TT ban hành Công văn số 3932/BTTTT-CNTT gửi các Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT, Hội Tin học Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT-TT…; Yêu cầu các hiệp hội, DN gửi báo cáo Danh mục sản phẩm phần mềm và nội dung số đã đăng ký sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trước ngày 31/1/2012. Danh mục sản phẩm là cơ sở để Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thanh, kiểm tra việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm này.
"Đây là động thái cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Bộ TT&TT trong việc kiểm soát vấn đề vi phạm bản quyền, bảo hộ sở hữu trí tuệ CNTT" - Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) Phạm Tấn Công nhận định. Tuy nhiên, ông Công băn khoăn, liệu việc làm này có "thừa" hay không khi Nhà nước đã có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này là Cục bản quyền tác giả Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những sản phẩm được đơn vị này cấp quyền tác giả đều đã nằm trong danh sách của Cục. Do đó, hai bộ chỉ cần làm việc với nhau là đã có danh sách các phần mềm và nội dung số được bảo hộ quyền tác giả.
Về vấn đề này ông Đỗ Trường Giang, Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: "Bộ cần có thông tin cụ thể từ các hiệp hội, DN để biết rõ sản phẩm CNTT nào còn hoạt động, sản phẩm nào không còn sử dụng, để từ đó xây dựng một danh mục đầy đủ và sát với thực tế".
Chưa thỏa mãn với giải thích này, nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ TT&TT yêu cầu DN kê khai mô tả toàn bộ sản phẩm, thông tin chứng minh quyền sở hữu trí tuệ… để gửi về Bộ là không cần thiết. Vì DN có hàng nghìn sản phẩm CNTT nếu kê khai được hết thì danh mục cũng dày bằng vài tập tiểu thuyết.