Bản quyền sách bị xâm phạm tinh vi trên không gian số
Những năm qua, sách lậu xuất hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, từ sách in giả đến sách photocopy và sách điện tử chia sẻ trái phép, đặt ra vấn đề nhức nhối cần được giải quyết để phát triển ngành xuất bản.
Sách không chính thống bán tràn lan
Trên Facebook, khi tìm kiếm từ khóa mua bán sách, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều hội nhóm có hàng trăm nghìn thành viên. Trong đó, nhiều đầu sách hot trên thị trường được người bán quảng cáo giảm giá từ 50 - 80%, bán sách theo cân, bán theo combo giá rẻ với lý do “thanh lý”, xử lý hàng tồn...

Nhiều hội nhóm bán sách giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá gốc. Ảnh: Huyền Chi
Nhiều cuốn sách lậu không qua kiểm định chất lượng, lỗi chính tả, chất lượng bìa, giấy và mực in kém. Thế nhưng, nhiều nơi bán sách giả còn xử lý tinh vi, in ấn chỉn chu, chất lượng giấy không khác biệt nhiều so với sách thật, bìa sách màu mè sắc nét. Nếu chỉ nhìn qua ảnh trên mạng, mua về không có sách chính hãng để so sánh, bạn đọc khó phân biệt thật giả.
Khi công nghệ khoa học phát triển, các hành vi vi phạm bản quyền sách ngày càng trở nên phức tạp với sự xuất hiện của các website, hội nhóm, kênh riêng tư để chia sẻ sách PDF, lưu hành những phiên bản không chính thống. Nhiều trang mạng xã hội còn công khai quảng cáo dịch vụ scan, photocopy sách theo yêu cầu với giá chỉ bằng 30 - 50% giá sách gốc. Không ít người hào hứng đặt mua cuốn sách mình yêu thích với giá rẻ mà không biết đó là sách lậu.
Những đầu sách bán chạy như “Đắc nhân tâm”, “Muôn kiếp nhân sinh”, “Harry Potter”, “Doraemon”... bị làm giả tràn lan. Thời gian qua, các cuốn sách về lịch sử như “Hồi ký Nguyễn Thị Bình: Gia đình, bạn bè và đất nước”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”... bị in lậu, bán giá rẻ, đánh vào tâm lý người dân đang quan tâm đến những câu chuyện thời chiến tranh.
Tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024, thạc sĩ Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chỉ ra, nhiều người vẫn mua sách rẻ mặc dù biết rằng có thể đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền. Vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận; những người khai thác, sử dụng sách trên không gian mạng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả.
Bảo vệ bản quyền sách trên không gian số
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà từng chia sẻ, chị thường xuyên bị các cá nhân hoặc tổ chức xâm phạm bản quyền, đôi khi chỉ là vài đoạn, lớn hơn là một tác phẩm và thậm chí nguyên cuốn sách dày bị in lậu bán ra thị trường. Nhà văn cho rằng đây là hành vi phi văn hóa, không chỉ “ăn cắp trắng trợn” công sức sáng tạo của tác giả, mà tác phẩm gốc có thể không còn nguyên bản, bị sửa chữa, xuyên tạc, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của tác giả và nhà xuất bản.
Theo số liệu nghiên cứu của tổ chức Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỉ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp. Đáng nói, các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, các nhà xuất bản và các tác giả đang gặp nhiều khó khăn do thách thức mới của công nghệ, sự phát triển của các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.
Thực tế, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh để bảo vệ bản quyền sách. Dẫu vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp, các giải pháp chưa thể xử lý triệt để. Không chỉ vậy, việc truy vết các tổ chức, cá nhân bán sách lậu trên mạng gặp nhiều khó khăn do tính năng ẩn danh của mạng xã hội. Không chỉ người mua mà chính các nhà xuất bản cũng bị ảnh hưởng bởi nạn sách giả, sách lậu được rao bán trên không gian mạng.
(Theo Laodong.vn)

Phát hiện hàng nghìn gói chân, cánh gà, xúc xích nhập lậu tại Thái Nguyên
Kinhtedothi-Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên vừa phát hiện và thu giữ lượng lớn thực phẩm nhập lậu gắn mác "Made in China" trị giá gần 30 triệu đồng, sắp được tuồn ra thị trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 205/TB-VPCP ngày 28/4/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Long An: bắt giữ đối tượng vận chuyển hàng nghìn bao thuốc lá lậu
Kinhtedothi – Ngày 7/5, nhận được tin báo, Công an phường 1, thị xã Kiến Tường (Long An) tiến hành kiểm tra xe ôtô 16 chỗ BKS 50H – 720.85, lưu thông trên tuyến quốc lộ 62, khu vực bến xe khách thuộc địa bàn khu phố 3, phường 1, thị xã Kiến Tường, phát hiện số lượng lớn bao thuốc lá ngoại không rõ nguồn gốc.