Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản sắc văn hóa Hà Nội tạo sức bật cho kinh tế đêm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhedothi - Tròn 10 năm Hà Nội manh nha tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, phải từ năm 2009 đến nay những hướng đi đúng, dựa trên bản sắc văn hóa và tiềm năng riêng biệt đã tạo nên sức bật đáng kể cho doanh thu từ kinh tế đêm.

Và theo các chuyên gia, một vài năm tới, Hà Nội sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa để kinh tế đêm thật sự bừng sáng.

Bài 1: Chơi đêm ở Hà Nội có gì khác biệt?

Các sân khấu âm nhạc, các điểm di tích đã sáng đèn nhiều chương trình. Điểm đặc biệt là điểm chơi đêm Hà Nội không giống các tỉnh, thành khác và càng không giống các Thủ đô nào trên thế giới. Sự khác biệt đó tạo trên nền tảng lối sống và văn hóa nghìn năm bồi đắp.

Qua cái thời đến Hà Nội phải đi ngủ sớm

Năm 2006, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, du khách James Brogan - 50 tuổi, đến từ Anh, đã bày tỏ: ở Hà Nội sau 21 giờ là cuộc vui bị đứt đoạn vì hàng quán đóng cửa. Tuy nhiên, trở lại Hà Nội trong dịp đầu năm 2024 vừa rồi, ông James Brogan thấy rằng Thủ đô của mảnh đất hình chữ S nay đã khác, nhiều quán bar trên phố Tạ Hiện được mở sau 12 giờ đêm, nhiều điểm vui chơi giải trí và cả những điểm tìm hiểu về sâu văn hóa đã sáng đèn.

Thực tế, kinh tế đêm Hà Nội đã manh nha hình thành cách đây 10 năm. Năm 2004, chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân ra đời đánh dấu một sản phẩm thương mại, du lịch đêm đầu tiên của Hà Nội.

Thế nhưng, 3 năm sau khi hoạt động (năm 2007) trong một cuộc đánh giá hiệu quả của mô hình này, KTS Đào Ngọc Nghiêm đã phải thốt lên: “Đi chợ buộc thêm nỗi lo bên mình. Láo nháo đủ thứ mặt hàng: áo phông Hồng Kông, thú bông gia công kém chất lượng, bít tất giá 10.000 đồng ba đôi, khẩu trang 1.500 đồng một chiếc... cứ rao ra rả dọc con phố. Từ chủ trương mở chợ để giới thiệu, giao thương các mặt hàng truyền thống của Hà Nội thì chuyển sang buôn bán trăm thứ hàng kém chất lượng không rõ xuất xứ”. Chính vì vậy, mục tiêu phát triển kinh tế đêm giậm chân tại chỗ suốt 5 năm.

Du khách trải nghiệm tại Ô Quan Chưởng về đêm. Ảnh: H.Trang
Du khách trải nghiệm tại Ô Quan Chưởng về đêm. Ảnh: H.Trang

Đến năm 2009, các không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ, Tạ Hiện và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm hình thành, đã trở thành lực hút đối với người dân Thủ đô và du khách. Và không chỉ có không gian đi bộ quanh Hồ Gươm được mở rộng, các điểm di tích cũng không còn đóng cửa vào ban đêm mà hình thành các tour trải nghiệm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, di tích đền Ngọc Sơn, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn TP, nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm. Các sản phẩm du lịch đêm được giới thiệu tới du khách, gồm những sản phẩm hiện được đầu tư làm mới về nội dung, hình thức thể hiện và có những sản phẩm được xây dựng mới, lần đầu được giới thiệu. Trong đó, có show diễn thực cảnh, chương trình nghệ thuật, tour tham quan di sản, không gian đi bộ, tour ẩm thực, trải nghiệm xe bus 2 tầng, tour xe đạp, xích lô, xe điện, phố sách, lễ hạ cờ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo TS Lê Viết Chức - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Tôi đã đi trải nghiệm một số sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Điều tôi thấy mừng nhất là đến các chương trình này không bị nhầm đang đi tour đêm ở Ninh Bình hay ở TP Hồ Chí Minh mà đúng là ở

Hà Nội ngàn năm văn hiến. Vì các sản phẩm không chỉ đa dạng mà còn tổ chức trên chất liệu văn hóa của riêng Hà Nội, đó là: câu chuyện gươm thần gắn với truyền thuyết Hồ Gươm, là không gian cung đình ở Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, là câu chuyện đạo học ở nơi được coi là ngôi trường đại học đầu tiên ở Việt Nam - Văn Miếu Quốc Tử Giám…”.

Nâng cao chất lượng và doanh thu

Hoàn Kiếm là quận đi đầu trong việc phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch. Cụ thể: thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát huy hiệu quả giá trị các di sản, không gian văn hóa, phát triển kinh tế đêm, phát triển du lịch trên địa bàn quận, số lượt khách lưu trú qua đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng nhanh: năm 2021 là 625,6 nghìn lượt khách, năm 2022 trên 996 nghìn lượt và ước năm 2023 là 1,6 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống năm 2021 là 1.571 tỷ đồng; năm 2022 là 3.122 tỷ đồng; ước năm 2023 khoảng 6.012 tỷ đồng. Doanh thu ngành du lịch tăng từ 189 tỷ đồng vào năm 2021 lên 896 tỷ đồng vào năm 2022 và năm 2023 ước đạt 3.975 tỷ đồng.

Đối với Hà Nội, khi đưa vào khai thác 15 sản phẩm tour đêm, Sở Du lịch mong muốn phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm của Thủ đô Hà Nội, từ đó phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc có chất lượng và giá trị gia tăng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 25,5 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với ước năm 2023, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng.

Bộ VHTT&DL vừa ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất 1 đêm.

Có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt ra trong đề án, đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ, bao gồm: mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Hà Nội đang đi đầu việc triển khai Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Các sản phẩm du lịch này đang ngày càng được hoàn thiện và mở rộng, góp phần tạo nên hệ thống kết nối các điểm vui chơi về ban đêm cho du khách.

 

Để các dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế đêm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch, các sản phẩm du lịch ban đêm phải được phát triển đa dạng và phải có tính riêng biệt theo từng vùng, miền.

Đặc biệt, các sản phẩm du lịch không chỉ tập trung vào giải trí, ẩm thực, mua sắm về đêm, mà còn cần được đầu tư vào các trải nghiệm tinh thần, hoạt động thể chất như team building, thể thao, ngắm cảnh đêm… và những hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - TS Trương Sỹ Vinh  

(Còn nữa)