Kinhtedothi - Số tiền được các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ kiếm về chiếm tới hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam.
Cửa hàng tạp hóa đang chiếm phần lớn doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam.
Những con số này vừa được công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đưa ra trong báo cáo về thị trường bán lẻ trong nước. Cụ thể, tính tới hết năm 2015, với 1,3 triệu cửa hàng cửa hàng tạp hóa, kênh bán lẻ truyền thống có tổng doanh thu gần 10 tỷ USD, chiếm hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam.Những năm trước, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như nhà sản xuất đều dự báo kênh bán lẻ truyền thống tại Việt Nam sẽ thu nhỏ dần về số lượng và bị thay thế bởi kênh thương mại hiện đại, nhưng thực tế diễn ra lại hoàn toàn trái ngược. 2015 là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ truyền thống nhanh hơn so với kênh thương mại hiện đại ở mức 5,4%.
Theo Nielsen, một trong những điểm mạnh, phù hợp với đa số người tiêu dùng của kênh bán lẻ truyền thống là tốc độ giao dịch mua bán diễn ra rất nhanh, tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Trung bình, một giao dịch mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa chỉ vẻn vẹn trong 90 giây, với 10 giây đầu là để đặt hàng và 20 giây cuối là để thanh toán tiền mặt.
Cũng tại các cửa hàng tạp hóa, các mặt hàng dành cho nam giới được mua nhiều nhất là thuốc lá chiếm 48%, thực phẩm 36% và nước giải khát 31%. Còn phụ nữ chủ yếu chọn thực phẩm khi chiếm tới 60% và nước giải khát là 38%.
Mặc dù có số lượng lớn nhưng việc các nhà sản xuất đưa sản phẩm vào kênh bán lẻ truyền thống là không hề dễ dàng. Trên thực tế, ngay cả các nhà sản xuất lớn có đội ngũ bán hàng hùng mạnh cũng chỉ khai thác được cơ hội quảng bá sản phẩm tại 30% cửa hàng tạp hóa, Nielsen chỉ ra.
Tuy nhiên, chỉ có 2% khách hàng nhận biết được và chỉ 1% nhà sản xuất đề cập tới các chương trình khuyến mãi tại cửa hàng tạp hóa. Đây chính là cơ hội để các nhà sản xuất tận dụng nhằm khai thác thêm lượng khách hàng tiềm năng, Nielsen đưa ra lời khuyên.