Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băng dày khó phá?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa lúc châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine và thực hiện chiến lược tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Iran bỗng trở thành nhân tố mang tính quyết định trong chính sách của phương Tây.

Vì thế, không ngạc nhiên khi hai bên gạt sang một bên những bất đồng kéo dài nhiều năm qua để gặp nhau tại diễn đàn kinh tế song phương lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức từ ngày 15 - 16/10 tại London, Anh.

Với một lực lượng đông đảo các quan chức thương mại tham gia diễn đàn, Iran cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện này bởi ngoài việc kêu gọi đầu tư, đây còn là dịp để Tehran phá băng trong quan hệ với phương Tây. Các quan chức tài chính Iran hy vọng, qua diễn đàn lần này sẽ tiếp cận được khoản vay 100 tỷ USD từ các nhà đầu tư châu Âu để phát triển những lĩnh vực có thế mạnh trong vài năm tới. Đối với phương Tây, Iran đang trở thành một đối tác đầy tiềm năng bởi trữ lượng dầu khổng lồ có thể giúp châu Âu vượt qua mùa đông khắc nghiệt mà không phải lệ thuộc vào Nga và khả năng bùng nổ kinh tế. Ngay cả Renault - gã khổng lồ về ô tô của Pháp cũng phải thừa nhận sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của thị trường Iran với mức tiêu thụ bằng nhiều quốc gia Trung Đông khác cộng lại.

Tuy nhiên, những lợi ích nhìn thấy và đo đếm được vẫn chưa phải là những điều kiện cần và đủ để thiết đặt lại quan hệ châu Âu - Iran. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hassan Rouhani đã rất nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây nhưng dường như quyết tâm này vẫn chưa đủ để thuyết phục Mỹ và châu Âu. Thiếu niềm tin chiến lược được cho là nguyên nhân quan trọng nhất khiến không có quan chức tên tuổi nào của phương Tây tham dự diễn đàn tại London lần này. Những lời có cánh vẫn được phát đi, thái độ thân thiện vẫn được biểu lộ qua những cái bắt tay rất chặt giữa quan chức hai bên. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đang ngáng trở việc cải thiện quan hệ kinh tế Iran - châu Âu. Để phá bỏ được tảng băng này, đòi hỏi nỗ lực vun đắp niềm tin chiến lược của các bên liên quan, nhất là nhanh chóng tìm ra giải pháp cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.