Hãng tin Anh hôm 17/11 dẫn một quan chức cấp cao giấu tên của Liên minh châu Âu (EU) cho biết Brussels có thể sẽ lùi các cuộc đàm phán về tư cách thành viên chính thức của Kiev sang cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 3/2024. Theo kế hoạch trước đó, lãnh đạo 27 nước thành viên EU dự kiến sẽ quyết định có chấp nhận khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu hay không trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12/2023.
Nguồn tin trên cũng tiết lộ, một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch bị hoãn trong năm nay là do sự phản đối mạnh mẽ của Hungary.
Một số nhà lãnh đạo EU đã đề xuất khối này nên khởi động quá trình đàm phán để xem xét kết nạp Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3, sau khi Ủy ban châu Âu có đánh giá đầy đủ về việc tuân thủ các điều kiện gia nhập của Kiev.
Trước đó, hôm 8/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã khuyến nghị các quốc gia thành viên bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine.
Phản ứng với tuyên bố mới nhất của Chủ tịch EC, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 8/11 nói rằng các điều kiện hiện tại không phù hợp để EU xem xét kết nạp Ukraine trở thành thành viên. Ông Szijjarto cảnh báo: "Bằng cách kết nạp Ukraine, EU cũng sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự hiện tại, điều mà rõ ràng là không ai muốn xảy ra. Việc mở rộng thành viên nên nhằm mục đích lan tỏa hòa bình, chứ không phải mang chiến tranh vào EU".
Ngoại trưởng Hungary cho rằng việc EU đánh giá sự tiến bộ của Ukraine trong nỗ lực thực hiện cải cách, pháp quyền hoặc bất kỳ tiêu chí nào khác để kết nạp Kiev trong bối cảnh xung đột là điều "vô lý".
Đồng thời, người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary lưu ý thêm, EU đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và ngày càng suy yếu, vì vậy nếu muốn kết nạp thành viên mới nhằm củng cố sức mạnh, khối này nên hướng tới các nước Tây Balkan, trước hết là Serbia.
Theo Cố vấn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, chính quyền Budapest sẽ không ủng hộ việc EU kết nạp Ukraine, trừ khi Kiev thay đổi luật về các nhóm thiểu số, đặc biệt là liên quan đến giáo dục.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi đầu tháng đã cảnh báo, Ukraine “hoàn toàn chưa sẵn sàng” cho các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU.
Cũng có quan ngại tương tự, liên minh nông dân Đức trong tuần này cho biết, tư cách thành viên EU của cường quốc nông nghiệp Ukraine sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp của khối này.
Phát biểu tại cuộc họp về tương lai của Chính sách nông nghiệp chung (CAP) EU hôm 15/11, ông Joachim Rukwied - Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Đức (DBV), cảnh báo rằng việc Kiev gia nhập EU sẽ “dẫn đến sự sụp đổ của nền nông nghiệp châu Âu”.
Ông Rukwied giải thích rằng quy mô trang trại trung bình tại Ukraine lớn hơn nhiều lần so với các nước thành viên EU.
Theo quan chức Đức, kế hoạch về chương trình hỗ trợ của EU cho CAP trong giai đoạn từ năm 2028-2034 được công bố hôm 16/11 chỉ dựa trên cơ sở 27 nước thành viên hiện tại của EU, hoàn toàn không xem xét về kịch bản EU được mở rộng trong tương lai.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch hồi tháng 2/2022. EU hồi tháng 6/2022 cấp tư cách ứng viên gia nhập cho Ukraine.
Giới chuyên gia nhận định rằng ngay cả khi các cuộc đàm phán bắt đầu, quá trình để Ukraine gia nhập EU vẫn có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.