Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí đồng hành vun đắp văn hóa giao thông

TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo chí, truyền thông luôn được xem là lực lượng tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Bởi vậy báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hình thành văn hóa giao thông (VHGT) ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Nét văn minh của xã hội tiến bộ
Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh, tiến bộ. Theo nghĩa chung nhất, văn hóa là những cốt lõi, tinh hoa về mặt tinh thần của một cộng đồng dân cư hay của một dân tộc. Cùng với sự phát triển và tiến bộ của văn minh nhân loại, khái niệm văn hóa ngày càng được mở rộng sang mọi mặt của đời sống xã hội và được sử dụng trên nhiều lĩnh vực như ẩm thực, du lịch, tâm linh…, trong đó có cả giao thông.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, “VHGT được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng VHGT nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.

Lãnh đạo Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị trao giải cuộc thi Vì an toàn giao thông Thủ đô cho các thí sinh đoạt giải. Ảnh: Thanh Hải
Lãnh đạo Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị trao giải cuộc thi Vì an toàn giao thông Thủ đô cho các thí sinh đoạt giải. Ảnh: Thanh Hải

Khái niệm VHGT có thể tóm tắt ở bốn điểm chính. Một là nhận thức của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giao thông, những tác động của nó đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường. Để từ đó có hành vi ứng xử chuẩn mực, có ý thức bảo vệ, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả hệ thống giao thông vận tải, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Hai là VHGT được đánh giá thông qua tính tự giác, nghiêm chỉnh, nghiêm túc chấp hành pháp luật về giao thông, chấp hành những quy định tiêu chuẩn của phương tiện, điều kiện của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông… Đặc biệt khi sử dụng phương tiện công cộng phải biết nhường nhịn những người yếu thế, giữ vệ sinh chung, không gây tiếng ồn, thân thiện với nhân viên phục vụ và hành khách đi cùng…

Có người ví VHGT của Việt Nam hiện đang ở “tuổi vị thành niên”, nhất là khi các cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông hiện đại mới xuất hiện.
Ba là có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông thể hiện qua việc xử lý nghiêm khắc với những người vi phạm luật giao thông. Ngược lại luôn giữ thái độ thân thiện tại các điểm ùn tắc, nút giao thông; không sử dụng vỉa hè làm nơi để di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Bốn là việc người dân có ý thức bảo vệ lợi ích của cộng đồng thông qua hành vi lựa chọn phương tiện đi lại hằng ngày. Đó là yếu tố quan trọng nhất của VHGT. Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân chiếm dụng lòng đường nhiều, gây ô nhiễm, nguy cơ tai nạn giao thông để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng vì sự phát triển bền vững của đô thị.

Tạo thay đổi tích cực về nhận thức

Văn hóa nói chung và VHGT nói riêng là một quá trình liên tục, không có điểm kết thúc. Để xây dựng VHGT trở thành nét đẹp của văn hóa Thủ đô thì các cơ quan báo chí phải vào cuộc tích cực hơn nữa để góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, hình thành thói quen chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông. Tuyên truyền về khó khăn, thách thức của giao thông đô thị đối với một nước đang phát triển, có tốc độ đô thị hóa nhanh và xe máy đang là phương tiện đi lại chủ yếu như Việt Nam hiện nay.

Giữ vai trò chủ đạo trong định hướng dư luận hiểu rõ về những lợi ích to lớn cho việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng nhất là những loại phương tiện nhanh, khối lớn, thân thiện môi trường như đường sắt đô thị (ĐSĐT).

Cùng với đó báo chí cũng tăng cường phê phán những hành động chưa đẹp, thiếu văn hóa trong tham gia giao thông và tôn vinh những hình ảnh, hành động đẹp của người tham gia giao thông. Làm được điều này, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, Hà Nội sẽ ngày càng văn minh hơn, xứng đáng là Thủ đô “Ngàn năm văn hiến”.

Tháng 11/2021, tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước mang số hiệu 2A, Cát Linh - Hà Đông được chính thức đưa vào vận hành khai thác. Đến nay, tuyến đã vận hành được gần 2 năm và bước đầu được đánh giá là thành công, được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, văn minh, thân thiện với môi trường. Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã bước đầu làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng tích cực, chuyển dịch từ sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh. Để có được kết quả trên không thể không nói đến vai trò của các cơ quan báo chí T.Ư và TP Hà Nội đã luôn đồng hành với Hà Nội Metro. Báo chí, truyền thông đã chia sẻ chia sẻ khó khăn ban đầu, tuyên truyền về những lợi ích của ĐSĐT, khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Hà Nội Metro.

Nhận thức rõ vai trò của báo chí, truyền thông, ngay từ tháng 9/2018, Hà Nội Metro đã ký biên bản hợp tác toàn diện với Báo Kinh tế & Đô thị và được cập nhật mới nhất vào tháng 5/2023. Phối hợp tuyên truyền về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội trong đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến ĐSĐT của TP. Biểu dương người tốt, việc tốt, hình ảnh đẹp của hành khách cũng như các tập thể, cá nhân, tấm gương điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực hoạt động của Hà Nội Metro. Phối hợp tuyên truyền, xây dựng VHGT cho người dân khi tham gia ĐSĐT, định hướng dư luận và thông tin kịp thời, chính xác về những vấn đề nóng trong công tác vận hành tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội.

Từ kinh nghiệm hợp tác giữa Hà Nội Metro và Báo Kinh tế & Đô thị trong việc quảng bá, xây dựng VHGT cho thấy, trong bối cảnh công nghệ phát triển, mạng xã hội thông tin đa chiều thì vai trò cộng sinh giữa báo chí cách mạng với DN là hết sức cần thiết và hiệu quả. Sự phối hợp đó được phát huy sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội, đó là sự đồng thuận vì lợi ích của cộng đồng.