Cải thiện môi trường không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Hành động khẩn cấp
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân. Trong cuộc họp với lãnh đạo hai TP và các bộ, ngành liên quan mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, cần có những giải pháp cấp bách và một kế hoạch dài hạn để kiểm soát tình trạng này. Bởi lẽ, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của riêng từng địa phương, mà đòi hỏi một chiến lược tổng thể trên phạm vi quốc gia.
Giải pháp cấp bách
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô bao gồm khí thải từ giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp, đốt rơm rạ và ô nhiễm từ các khu vực lân cận. Trong đó, phương tiện giao thông là nguồn phát thải lớn nhất, với xe máy cũ nát chiếm tỷ trọng cao trong việc xả khí thải độc hại ra môi trường.
Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng tương tự cũng diễn ra, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm có mật độ phương tiện dày đặc.
Một vấn đề đáng lưu ý là tình trạng đốt rơm rạ sau mùa vụ tại các khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn tiếp diễn, gây ra lượng lớn bụi mịn PM2.5 phát tán vào không khí. Theo số liệu từ Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, hoạt động này có thể chiếm tới 30% tổng lượng bụi mịn tại một số thời điểm trong năm. Việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải này, kết hợp với các biện pháp giảm thiểu khí thải từ công nghiệp và giao thông, là điều cần thiết để cải thiện chất lượng không khí.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ảnh: Thanh Nhàn
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh đến tính cấp bách của vấn đề ô nhiễm không khí đồng thời kêu gọi hành động ngay lập tức để cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe người dân: "Chúng ta không có nhiều thời gian để tiếp tục bàn luận, mà phải hành động ngay từ bây giờ, nhằm cải thiện các chỉ tiêu chất lượng không khí ngay trong tháng tới, quý tới, cuối năm để bảo vệ sức khỏe người dân". Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cam kết hỗ trợ tối đa cho các địa phương và sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất một số giải pháp cấp bách, cần triển khai ngay lập tức. Trước hết, đối với các công trình xây dựng, từ khu đô thị, nhà cao tầng, giao thông đến công trình công cộng, việc che chắn, phun nước giảm bụi phải được thực hiện bắt buộc. Bộ cũng yêu cầu cần có quy hoạch tuyến đường riêng cho xe tải, kiểm soát xe cũ, đồng thời tăng cường vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, các biện pháp như rửa đường, quét bụi, lắp đặt hệ thống giàn phun nước tại các tuyến giao thông chính cũng cần được đẩy mạnh; Giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ô nhiễm không khí và các biện pháp giảm thiểu cũng là những giải pháp quan trọng.
Nâng chế tài xử lý vi phạm
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí có đặc thù riêng, đó là khả năng lan rộng qua nhiều vùng, nhiều địa phương chứ không chỉ bó hẹp ở khu vực có nguồn phát thải. Do đó, việc xử lý ô nhiễm cũng cần mở rộng phạm vi cấp vùng, cấp khu vực. Đầu tiên, cần tập trung thanh kiểm tra để xác định những nguồn phát thải, cơ sở gây ô nhiễm để có biện pháp xử lý phù hợp. Những cơ sở nào không đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường cần kiên quyết đóng cửa.
Liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại vi phạm quy định, gây ô nhiễm không khí. Trong trường hợp nghiêm trọng, các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe và hạn chế tình trạng xả thải không kiểm soát. Bộ Công an sẽ chỉ đạo lực lượng công an địa phương tăng cường kiểm soát trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý các phương tiện vi phạm tiêu chuẩn khí thải.
Với TP Hà Nội, TS Hoàng Dương Tùng cho biết, TP đang đang thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, trong đó giải pháp quan trọng nhất là hạn chế hoặc cấm ô tô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi nguồn phát thải từ phương tiện giao thông là nguồn ô nhiễm lớn, rất nặng, đặc biệt trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, chỉ hạn chế, cấm các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải là chưa đủ mà cần phải thắt chặt thêm tiêu chuẩn khí thải với xe máy, nâng cao tiêu chuẩn khí thải, khuyến khích các cá nhân, tổ chức dùng xe điện, hạn chế dùng xe xăng. Đây là điều nhiều nước trên thế giới đã làm được và TP Hà Nội cũng hoàn toàn có thể làm được với sự ra đời của Luật Thủ đô hiện hành.
Hướng tới một kế hoạch hành động quốc gia
“Chúng ta cần một kế hoạch hành động quốc gia toàn diện để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, với các mục tiêu cụ thể theo từng năm và từng giai đoạn 5 năm” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân tích và yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm và triển khai các giải pháp kiểm soát hiệu quả. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để đánh giá tổng thể mức độ ô nhiễm không khí trên toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc phân tích, xác định cụ thể các nguồn phát thải chính - bao gồm giao thông, xây dựng, xử lý rác thải, công nghiệp và nông nghiệp – sẽ là cơ sở để xây dựng lộ trình giảm thiểu ô nhiễm phù hợp với từng địa phương. Trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xử lý và tái chế phế thải xây dựng. Đồng thời, bộ này sẽ rà soát các điều kiện và cơ sở pháp lý để triển khai kiểm định khí thải xe máy, đưa ra chế tài xử lý đối với các phương tiện không đạt chuẩn. Cùng với đó, việc giám sát chặt chẽ hoạt động của các công trình xây dựng cũng sẽ được tăng cường nhằm hạn chế bụi mịn phát tán. Một trong những giải pháp được đề xuất là quy hoạch và bố trí các trạm rửa xe tại các cửa ngõ TP nhằm giảm lượng bụi bẩn từ phương tiện đi vào khu vực nội đô.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị cần tập trung hoàn thiện chính sách kiểm soát khí thải, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Hoàn thành kiểm kê nguồn thải, tổ chức giám sát chặt chẽ và vận hành hệ thống cảnh báo dựa trên dữ liệu nguồn thải, giải pháp kỹ thuật và công nghệ giám sát tự động các nguồn thải lớn, kết nối trực tuyến. Phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, thân thiện môi trường là một hướng đi quan trọng.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Việc cải thiện quy hoạch đô thị đóng vai trò then chốt. Quy hoạch các khu công nghiệp xa khu dân cư, mở rộng hệ thống cây xanh đô thị để hấp thụ khí độc hại là những giải pháp cần được ưu tiên. Quan trọng hơn, chính sách kiểm soát nguồn phát thải từ công nghiệp cần được thực thi nghiêm túc, tránh tình trạng chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, các chuyên gia nhận định, với kế hoạch hành động đồng bộ từ trung ương đến địa phương, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng có thể kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Đặc biệt, những giải pháp mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý trong cuộc họp rất trúng, rất sát và có cơ sở để thực hiện ngay. Tuy nhiên, để các giải pháp này thực sự hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Trích dẫn
Chúng ta cần xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện về chất lượng không khí, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Công khai dữ liệu chất lượng không khí, để người dân có thể theo dõi và chủ động bảo vệ sức khỏe.