Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí góp phần quan trọng xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mức văn hóa ứng xử”.

Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý; đại diện các bộ, ngành T.Ư, sở ngành TP.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm xác định những đặc điểm của  văn hóa con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; Phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực đời sống xã hội và xác định vai trò của báo chí trong lan tỏa những thông điệp điển hình để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử; Bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; Đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò của báo chí về truyền thông chuẩn mực văn hóa ứng xử trong thời gian tới.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo.

Hình thành chuẩn mực ứng xử trong báo chí 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng nhất quán, kiên định quan điểm văn hóa là một mặt trận, một bộ phận cấu thành không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng nước ta. 

Hội Nhà báo Việt Nam luôn xác định họat động bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đây là những quy tắc, quy định thể hiện trong đó những chuẩn mực văn hóa ứng xử của người làm báo Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp và cả trong cuộc sống.  

Theo TS Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội văn hóa doanh nghiệp, với xu hướng phát triển hiện nay, cần chuyển hướng truyền thông một chiều thay truyền thông đối thoại, trong đó báo chí cần nằm trong một hệ thống chiến lược truyền thông tổng thể. 

Nguyên Đại biểu Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng: Chúng ta đang trong giai đoạn những chuẩn mực cũ tưởng chừng đã lạc hậu nhưng những chuẩn mực mới chưa được hình thành. Vì thế, trước hết cần xác định rõ chuẩn mực văn hóa là gì, để xác định với những gì lệch chuẩn. Đặc biệt, báo chí phải thể hiện chuẩn văn hóa của riêng mình.

PV Trần Thị Thanh Thùy (Đài PT-TH Hà Nội) bày tỏ: Sau những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, qua báo chí truyền thông, hình ảnh người Hà Nội thân thiện mến khách đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho bạn bè quốc tế. Điều đó cho thấy sức mạnh của các cơ quan báo chí của Thủ đô cũng như cả nước đối với việc thay đổi nhận thức của chính quyền và người dân với văn hóa ứng xử. 

Đồng thời cho rằng, công tác tuyên truyền về chuẩn mực ứng xử trong xã hội cần phải được thực hiện liên tục, trong một thời gian dài, không thể ngắt quãng hay theo kỳ cuộc. Có như vậy, những chuẩn mực trong văn hóa ứng xử mới ăn sâu và bám rễ trong ý thức của người dân. 

 Nguyên đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Viết Chức phát biểu tại Hội thảo.

Báo chí góp phần đưa văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng vì có đông đảo các chuyên gia, nhà báo đã có mặt tại buổi Hội thảo này, cho thấy vấn đề văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm. 

Văn hóa là một phạm trù rất rộng, song Phó Thủ tướng cho rằng: Văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển xã hội. Trong đó, báo chí cũng là một phần của văn hóa. Mỗi một sản phẩm báo chí là một sản phẩm của văn hóa; mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng. 

Văn hóa ứng xử là những hành vi, việc làm, thái độ, lời nói của người với người, khái quát thì đó sẽ là hành vi của cả một cộng đồng. Vì thế, văn hóa ứng xử của con người sẽ thể hiện văn hóa của dân tộc. 

“Một dân tộc có nền kinh tế phát triển cũng đáng được ca tụng, nhưng sẽ vinh dự, tự hào hơn nếu dân tộc đó được ca ngợi là một dân tộc có văn hóa” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. 

Nói về đặc điểm văn hóa, phẩm chất của người Việt Nam, Phó Thủ tướng nhắc về những điều Bác Hồ viết và trong các văn kiện của Đảng. Trong đó, người Việt Nam có phẩm chất anh hùng, đoàn kết, hăng hái, cần cù, lương thiện, tự trọng…những phẩm chất “cần, kiệm, liêm chính, chí, công vô tư” là những điều Bác Hồ dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải hướng tới. Trong giáo dục, có 5 phẩm chất cần để học sinh hướng tới, đó là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. 

Song, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong ứng xử văn hóa của người Việt Nam. Đó là còn tình trạng chen lấn, lãng phí, không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, ồn ào, trễ giờ…

Vì thế, không chỉ truyền thông, mà cần tất cả các nguồn lực trong xã hội tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa xếp hàng hạn chế việc xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân là đã giúp xã hội tốt lên rất nhiều. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Báo chí có vai trò không những phản ánh mà cần tạo sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa. Báo chí định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu. Phải làm sao để báo chí thấm sâu vào quần chúng, làm sao để văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân. 

Để làm được điều đó, báo chí không chỉ đưa tin phản ánh, mà phải phân tích hành vi đó xét trên góc độ văn hóa, từ đó đưa ra khuyến nghị về ứng xử. Vì thế, không chỉ cần nhà báo mà còn cần những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa cùng với nhà báo viết lên những tác phẩm đi vào lòng người. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích, động viên các bài viết có đóng góp để làm thay đổi hành vi văn hóa hướng tới chuẩn mực. 

Nhân đây, Phó Thủ tướng kêu gọi các cơ quan báo chí tiếp tục hình thành, triển khai các chuyên mục, tăng lượng bài viết về ứng xử văn hóa nhằm lan tỏa những hành động đẹp, hành động văn hóa. Chỉ có chú trọng phát triển chuẩn mực văn hóa thì mới góp phần tạo sự phát triển bền vững của đất nước.