Báo chí tạo niềm tin về xuất khẩu lao động cho người dân

Chính Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Trong điều kiện bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và internet hiện nay, khi người lao động phải lựa chọn giữa một "rừng" thông tin trên rất nhiều website và mạng xã hội khác nhau thì thông tin chính thức trên báo chí luôn là những thông tin đáng tin cậy và chính thống nhất" - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà tại Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị.

Truyền thông có vai trò quan trọng
Hội nghị hết sức có ý nghĩa trong thời điểm khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được xem xét sửa đổi. Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2017, XKLĐ đạt được con số kỷ lục với trên 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm.
Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trong lĩnh vực XKLĐ với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142.000 người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ 5 liên tiếp có số lượng vượt mức 100.000 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã được tổng số gần 67.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019.
Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công tác tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được nâng cao; hướng tới mở rộng ra những ngành nghề phù hợp với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng lên, ngành nghề cũng được mở rộng; bắt đầu tiếp cận thị trường mới như châu Âu. Hoạt động của DN XKLĐ không ngừng đi vào nề nếp. Các DN đã chủ động tìm kiếm phát triển thị trường, đào tạo người lao động rất bài bản. Nhiều lao động trở về đã phát triển những ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho lao động và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, kết quả này có phần rất lớn từ công tác truyền thông, vai trò nổi bật, sáng tạo của các cơ quan báo chí. Thời gian qua, Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục QLLĐNN, các DN đã quan tâm hợp tác với các cơ quan báo chí, qua đó đẩy mạnh truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với lĩnh vực XKLĐ.
Tuy nhiên, công tác truyền thông vẫn mang tính một chiều, chưa quan tâm đúng mức đến những vấn đề lớn. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Hội nghị này, những nội dung mang tính chất căn cơ như nâng cao chất lượng lao động, hậu XKLĐ, những tấm gương về người lao động... sẽ được báo chí quan tâm đẩy mạnh hơn nữa; đồng thời cụ thể hóa những thông điệp, có trọng tâm, trọng điểm, cung cấp đầy đủ thông tin, kỹ năng cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc; tăng cường truyền thông về các kỹ năng, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ; đưa thông tin nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời tới người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Toàn cảnh hội nghị.
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Lê Minh - chuyên gia lao động, nêu một số vấn đề về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong sự nghiệp XKLĐ, trong đó nhấn mạnh: Ở trong nước, phải thừa nhận rằng thời gian qua các phương tiện truyền thông báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử... đã có rất nhiều cố gắng, thông qua việc đưa tin, điều tra, phóng sự liên quan đến sự nghiệp xuất khẩu lao động.
Báo chí đã rất kịp thời phát hiện những giông tố của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nhanh chóng vạch mặt chỉ tên các vụ lừa đảo XKLĐ, các công ty XKLĐ "ma", các công ty XKLĐ làm ăn nhập nhèm, ký kết các hợp đồng thiệt thòi cho lao động xuất khẩu. Song, ông cũng muốn lưu ý rằng, có một số (không nhiều) mô tả cảnh bị bạc đãi đến mức tàn bạo của một số lao động làm việc trên biển, trên tàu đánh cá của Đài Loan, Hàn Quốc; hoặc lao động có tính khổ sai hoặc bị xúc phạm nhân phẩm của nữ giúp việc gia đình thì chúng ta nên cân nhắc cẩn trọng, lắng nghe nhiều chiều, thẩm tra kỹ ràng, xửa lý thông tin một cách toàn diện và thuyết phục.
Tuy nhiên, có những thông tin đúng là chua xót và bức xúc, tuy còn cá biệt, nếu ta đưa công khai có khi gây hoang mang lợi bất cập hại. Trường hợp này có thể trao đổi trức tiếp với Công ty XKLĐ yêu cầu giải quyết, hoặc trao đổi với cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này (Cục quản lý Lao động ngoài nước) để can thiệp kịp thời.
Các cơ quan truyền thông hoàn toàn có thể và có quyền đặt vấn đề với Bộ LĐTB&XH để đi các nước có nhiều lao động Việt Nam đang làm, việc thực hiện các phóng sự về cộng đồng này, qua đó người lao động có thêm niềm tin vì có thêm một kênh để phản ánh tâm tư nguyện vọng, còn cơ quan truyền thông có thêm thông tin tươi mới nhất góp phần để Nhà nước có điều kiện điều chỉnh nhanh nhất các quyết định của mình trong lĩnh vực XKLĐ.
"Về điểm này, chúng tôi xin nêu một ví dụ: Đã có lần nhằm tìm hiểu thêm về người lao động Việt Nam ở Cộng hòa Séc và Xlo-va-kia, chúng tôi cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã phối hợp với Trung tâm hợp tác báo chí truyền thông quốc tế thuộc Bộ Văn hóa thông tin đi 2 nước đó để xây dựng một bộ phim phóng sự tài liệu ngắn. Bộ phim đã được công chiếu và có kết quả tốt" - TS. Nguyễn Lê Minh dẫn chứng.
TS. Nguyễn Lê Minh - chuyên gia lao động nêu ý kiến tại hội nghị.

Giải quyết khủng hoảng truyền thông trong hoạt động XKLĐ
Về mối quan hệ giữa báo chí và DN XKLĐ và việc giải quyết khủng hoảng truyền thông trong hoạt động XKLĐ, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho biết: Thực tế đã chứng minh, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra với DN, các cơ quan, đơn vị, tổ chức bất kỳ lúc nào, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ tạo nên hàng triệu "nhà báo công dân" như hiện nay. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và bài bản, sự khủng hoảng ấy có thể gây ra hậu quả khó lường.
Trong lĩnh vực XKLĐ, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan có thể do người lao động bỏ trốn, bị tai nạn lao động, vi phạm pháp luật lao động nước sở tại, ngừng việc tập thể... Khách quan có thể do khủng hoảng kinh tế - chính trị của nước sở tại, do những nguyên nhân bất khả kháng như động đất, sóng thần, hỏa hoạn, khủng bố...
Khi có sự kiện, vấn đề nảy sinh, nếu báo chí đưa tin trung thực, ý kiến phân tích khách quan, có tri thức, có thiện chí, rạch ròi, cụ thể, chỉ rõ điều cần phê phán sẽ có tác dụng tích cực, gây hiệu ứng lành mạnh trong xã hội. Khi ấy buộc đơn vị, tổ chức liên quan phải nhận lỗi trước dư luận, điều chỉnh quá trình kinh doanh, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lại hậu quả nghiêm trọng.
Còn nếu báo chí chạy theo xu hướng khai thác khía cạnh giật gân để câu khách, công bố ý kiến thiếu khách quan, thiếu hiểu biết cặn kẽ vấn đề, lại phiến diện, mập mờ, lợi dụng sự kiện để đưa ra các liên hệ có tính đả kích, bài bác... thì sẽ gây tổn hại đến uy tín, lợi ích của DN.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh internet phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội cũng góp phần biến một số sự cố (đôi khi rất nhỏ) thành một cuộc khủng hoảng truyền thông. Từ đó có thể nói, trách nhiệm của báo chí đối với dư luận càng phải được đề cao.
Theo ông Nguyễn Thành Lợi, một trong các nguyên tắc cơ bản khi đối diện khủng hoảng truyền thông là sự chân thành, nhanh chóng cung cấp các thông tin chính xác minh bạch, có thể kiểm chứng, không né tránh, vòng vo. Trong việc này chỉ nên sử dụng mạng xã hội như là phương tiện cung cấp thông tin chính xác đến với công chúng.
Về báo chí, trước khi công bố tin tức, cần xác minh rõ ràng, chính xác; có ý kiến nghiêm khắc song không vùi dập, cố tình làm mất uy tín. Còn chủ ý gây khủng hoảng truyền thông để làm mất niềm tin vào DN, thương hiệu sản xuất nào đó, thì vấn đề không chỉ là trách nhiệm của báo chí, mà đã là dấu hiệu vi phạm luật pháp, cần xử lý thích đáng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý nhà nước tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý các hoạt động báo chí, truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin, tăng cường việc chỉ đạo xử lý khi xảy ra khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội; nâng cao hiệu quả xử lý thông tin, tránh bị động. Xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là những người đứng đầu các cơ quan đó trong việc đăng tải thông tin sai lệch, gây ra khủng hoảng truyền thông.