Được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và Văn phòng Quốc hội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị. Đây là sự kiện đánh dấu mối quan hệ giữa hai cơ quan với mục tiêu mở rộng truyền thông, quảng bá các giá trị của di sản Thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa đến với công chúng trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là đơn vị được UBND TP giao quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội và di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Cổ Loa.
Với mục tiêu đưa Di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội, Trung tâm xác định ngoài việc đưa ra các hoạt động về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, còn phải đề ra các kế hoạch để phát huy giá trị của khu Di sản nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc; đưa di sản trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau; tổ chức không gian sáng tạo tại khu di sản góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm trong mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của khu vực và trên thế giới.
Lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội là bước mở đầu và là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài giữa hai cơ quan. Mở ra triển vọng Hợp tác sâu rộng với các cơ quan Thông tấn báo chí của T.Ư và TP, thực hiện đúng theo chủ trương của TP Hà Nội cũng như mong muốn của Trung tâm.
Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh: Trong suốt chặng đường 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, hơn 10 năm Di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và di tích Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng hành cùng Di sản và để lại những dấu ấn vô cùng quan trọng. Báo chí, truyền hình đã không chỉ đơn thuần là công cụ đưa tin, thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà đã trở thành cầu nối quan trọng truyền tải hình ảnh và giá trị di sản tới công chúng trong nước và quốc tế.
Ngay sau khi Lễ ký kết với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Trung tâm mong muốn và hy vọng trong thời gian tới tiếp tục có cơ hội hợp tác với các cơ quan thông tấn báo chí, các đơn vị truyền thông trên cả nước để cùng chung tay góp phần nâng tầm các giá trị Di sản Văn hóa dân tộc, khẳng định giá trị lịch sử hàng nghìn năm của Thủ đô và Đất nước; phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.