Sức ép ngày càng lớn
Theo số liệu từ Bộ TT&TT, hiện cả nước đang có 880 cơ quan báo chí với số lượng nhân sự vào khoảng 41.000 người. Tuy nhiên trong năm 2023, tổng doanh thu của các đơn vị này là 8.600 tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm 2022. Trong đó, tổng doanh thu của 72 Đài Phát thanh truyền hình 11.900 tỷ đồng, giảm 21,9% so với năm trước.
Điều này bắt nguồn từ sự sụt giảm doanh thu bán báo in cũng như quảng cáo trực tuyến ngày càng có chiều hướng đi xuống. Trên thực tế, nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Yếu tố chủ yếu dẫn tới tình trạng này là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của mạng xã hội.
Trước sự linh hoạt, nhạy bén của mạng xã hội trong việc cập nhật những thông tin mới ở tất cả các mặt trong đời sống, báo chí cũng bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình với công chúng. Trong nhiều trường hợp, thông tin về sự kiện mới xảy ra xuất hiện trên mạng xã hội trước khi xuất hiện trên báo chí.
Không chỉ vậy, khác với mạng xã hội, các cơ quan báo chí còn phải mang thêm vai trò tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội. Tuy nhiên do cơ chế chưa thực sự tốt nên với nhiều cơ quan báo chí đây lại là nhiệm vụ không mạng lại doanh thu tương xứng.
Với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả phía nhà quản lý đến chuyên gia đều cho rằng đây là cơ hội để các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số nhằm mang lại bước đột phát trong phát triển, từ đó cần bằng lại sức ép của mạng xã hội. Nhưng trên thực tế, chính yếu tố kinh tế lại là rào cản lớn nhất đối với các cơ quan báo chí khi muốn làm mà không có lực.
Nói về vấn đề này, trong phần trả lời chất vấn mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Chính phủ luôn đề cao vai trò của các cơ quan báo chí trong việc dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội qua đó góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chính vì vậy trong những năm qua, Bộ TT&TT nói riêng và Chính phủ nói chung đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí, đặc biệt là về mặt kinh tế.
Có thể kể đến như trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thống chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí. Hiện có 5 Bộ, ngành đã phê duyệt định mức và 3 cơ quan báo chí áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước. Đây cũng sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện.
Hiện Bộ TT&TT đang cho phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí, để hỗ trợ miễn phí cho các cơ quan báo chí. Hiện nay nguồn lực của nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đối với những cơ quan báo chí khác, các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, để tăng nguồn thu báo chí cũng phải thay đổi công nghệ. Hiện đang có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội. Các cơ quan báo chí phải đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia về báo chí. Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm hỗ trợ, ban hành cẩm nang, xây dựng chương trình tập huấn cho các Tổng biên tập trong chuyển đổi số, để tạo chuyển biến trong vấn đề này.
Trước sức ép của mạng xã hội đối với các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nên hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh. Các cơ quan báo chí có thể sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận độc giả. Sự cạnh tranh trực tiếp về mặt thông tin và nếu tạo được sự khác biệt sẽ giúp báo chí có nhiều độc giả, từ đó tận dụng để tăng quảng cáo, nguồn thu.
Hiện nay, vấn đề báo chí hợp tác với mạng xã hội có 2 nội dung. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có ý kiến hiện đang đề xuất cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trên mạng xã hội trước, thay vì chỉ được phép sau khi đăng trên phương tiện truyền thông chính.
Tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành có quy định rõ ràng về việc các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải có thỏa thuận với các cơ quan báo chí. Đây cũng sẽ là nguồn thu tiềm năng cho các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Hạn chế trục lợi báo chí
Bên cạnh doanh thu của toàn ngành báo chí luôn có chiều hướng sụt giảm mạnh theo từng năm là sự bùng nổ của các tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực. Điều này không chỉ khiến "miếng bánh" kinh tế càng phải chia nhỏ hơn mà còn dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.
Nếu như tìm kiếm nguồn thu đang là rất khó khăn đối với các tờ báo thì đối với các tờ tạp chí việc này lại trở thành gánh nặng lớn hơn nhiều. Điều này lý giải cho tình trạng vi phạm tôn chỉ mục đích của ấn phẩm báo chí diễn ra tương đối phổ biến. Không chỉ vậy việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi không còn là hiếm thấy. Đáng chú ý, trong vòng vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt vì có những hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng từ đó vai trò của báo chí trong mắt người dân đã sụt giảm nghiêm trọng. Điều này cũng khiến doanh nghiệp trở nên dè dặt với việc đặt quảng cáo trên các cơ quan báo chí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí ngày một teo tóp.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu so sánh số lượng phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật với tổng số 45.000 người làm báo thì đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các Bộ, xã hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.
Để xử lý, vừa qua Bộ TT&TT đã có quy định mới, trong đó sẽ xử lý trực tiếp Tổng biên tập và phóng viên nếu có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Bên cạnh đó, Ban Bí thư cũng vừa ban hành quy định về công tác cán bộ, trong đó có đề cập đến vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí và nêu rõ những biện pháp xử lý nghiêm nếu để xảy ra sai phạm. Đặc biệt, khi cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm, sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí.
Bàn về cách để xử lý vấn đề tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ TT&TT công bố tiêu chí để nhận dạng “thế nào là báo hóa tạp chí” và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát, sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không?
Đồng thời công khai tôn chỉ, mục đích của 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích. Nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo. Bộ TT&TT sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.