Báo chí vẫn gặp khó khi tiếp cận thông tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường về Luật Báo chí (sửa đổi) sáng nay, các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến dự thảo luật cần làm rõ quyền tự do báo chí, quy định rõ ràng về trách nhiệm trong chỉ đạo, định hướng thông tin trên báo chí.

Luật hóa quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM), báo chí nước ta không chỉ là phương tiện truyền thông, thông tin thiết yếu mà còn lại công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Trong bối cảnh này, việc làm rõ quyền tự do báo chí và đảm bảo những điều kiện cần thiết để cơ quan báo chí hoạt động tốt nhất trong khuôn khổ luật pháp là rất quan trọng.

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo quyền tự do báo chí cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Tuy vậy, theo đại biểu, dự thảo quy định: Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin mà pháp luật không cấm là còn chung chung.
Báo chí vẫn gặp khó khi tiếp cận thông tin - Ảnh 1
Vẫn theo đại biểu Trang, trong thời gian qua dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định của luật pháp về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không thông tin cho báo chí. Đề nghị luật hóa quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cần bổ sung chế tài xử phạt tổ chức, cá nhân cản trở quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo.

Đại biểu cũng đề nghị cần cơ chế đảm bảo quyền tác nghiệp của các nhà báo vì thời gian qua có nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện tác nghiệp của các phóng viên, thậm chí có nhà báo bị hành hung.

“Trong Dự thảo luật mới chỉ quy định các cơ quan báo chí nếu sai phạm thì sẽ bị hình thức xử lý theo luật định chứ chưa thấy đề cập tổ chức, cá nhân khi cản trở nhà báo hoạt động hợp pháp. Do đó cần bổ sung vào Luật vấn đề này”, đại biểu góp ý.

Vẫn theo đại biểu Trang, quyền tự do báo chí còn thể hiện ở chỗ việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin từ cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình”. 
Báo chí vẫn gặp khó khi tiếp cận thông tin - Ảnh 2

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM)
 Ngoài ra, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị ưu đãi mức cao nhất về thuế đối với các cơ quan báo chí. Hiện nguồn thu từ phát hành của báo in và quảng cáo của báo điện tử đều không khả quan. Bà cho rằng, cần đánh giá toàn diện về cơ chế tài chính của các cơ quan báo chí, có chính sách hỗ trợ rõ ràng, nhằm giúp họ tiến tới tự chủ về tài chính.

Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ (ĐB Bình Thuận) cũng đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu đãi về thuế đối với báo chí, tạo điều kiện hơn để báo chí có nguồn lực tái tạo sức sáng tạo. “Một nhà báo lãnh đạo nói với chúng tôi: Làm sao bán được báo cái đã, có thu thì mới có tiền nộp thuế chứ, cứ chăm chăm vào thu thuế sao phát triển được”, ông chia sẻ.

Đề nghị chỉ có cơ quan báo chí mới được xuất bản trang tin điện tử

Liên quan đến quy hoạch báo chí, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, cần nhìn nhận cách khách quan xu hướng thị trường báo chí thế giới để có giải pháp, biện pháp tạo điều kiện cho báo chí trong nước phát triển theo xu hướng chung của công nghệ, phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng. Trong đó xu hướng đang lên thuộc loại báo hình và báo điện tử. Do vậy, dự thảo luật cần thiết thiết kế các quy định sao cho đảm bảo sự phát triển đồng đều, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, bạn đọc đang thiếu niềm tin vào báo chí chính thống và ngả sang đọc thông tin trên mạng. Việc tham gia không giới hạn của các mạng truyền thông xã hội đã khiến hoạt động của báo chí chính thống ngày càng khó khăn. “Khi có một vụ việc nào đó, trong lúc báo chí chính thống tuân thủ các định hướng và dừng chưa đưa, thì truyền thông xã hội đưa rất nhiều. Đến khi báo chí chính thống đưa tin thì bạn đọc đâu còn kiên nhẫn để chờ đợi, dẫn đến mất bạn đọc, suy yếu”.

Bên cạnh đó, ĐB Thường cũng nhìn nhận, việc vi phạm bản quyền báo chí rất phổ biến. Mỗi tờ báo điện tử trung bình xuất bản 300 tin, bài mỗi ngày nên "việc hậu kiểm xử lý, khiếu nại vô cùng khó khăn". Nguyên nhân chính là do sự tồn tại phi lý của các trang tin điện tử tổng hợp, loại hình truyền thông mà có ý kiến cho là “quái thai dị dạng”.

“Theo thống kê hiện cả nước có hơn 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần các tờ báo điện tử, gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. Vậy là có tình trạng người làm thật ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật. Tốc độ cóp nhặt siêu tốc nên việc quản lý các trang tin rất khó khăn. Thế mới có chuyện sáng đưa, trưa rút”, ĐB Thường nhìn nhận, đồng thời đề nghị Luật Báo chí (sửa đổi) cần xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp, chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các trang tin mang tính chất báo chí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần