Tọa đàm thuộc dự án “Chúng tôi Có thể - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn”, thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số. Dự án được UNESCO triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.
Trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã khiến các trường học phải đóng cửa trên diện rộng lớn nhất trong lịch sử. Chỉ riêng tại Việt Nam, đại dịch đã khiến khoảng 21 triệu trẻ em bị gián đoạn học tập. Trong đó, UNESCO nhấn mạnh rằng trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức khi việc học là chìa khóa mở cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn cho các em.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: "Trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, báo chí có sức mạnh "không thể chối từ" trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi hành động cần thiết".
"UNESCO tin tưởng báo chí trong việc khắc họa những hình ảnh đa chiều tích cực về phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, cũng như kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy nền giáo dục công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái", ông Manhart cho biết.
Tại buổi tọa đàm, những khách mời tham dự là những nhà báo, nhà văn hóa đã đưa ra những kiến giải riêng thông qua câu chuyện của chính mình trong quá trình tác nghiệm tại những vùng sâu, xa.
Các khách mời cho rằng, việc bảo về quyền lợi cho trẻ em gái phải gắn với việc hỗ trợ, định hướng phát triển cho cuộc sống của đồng bào dân tộc.
Theo đó, các cơ quan báo chí cần có thêm nhiều góc cạnh khai thác, tuyên truyền để đồng bào dân tộc nhận thức được phương thức phát triển kinh tế; chủ động cải thiện cuộc sống của mình hơn là chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ tấm lòng hảo tâm của những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.