Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí với cuộc chiến phòng, chống tiêu cực

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một mặt trận. Phóng viên, biên tập viên… là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận đó. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng, báo chí đã phát huy vai trò rõ nhất, luôn xung kích đi đầu.

 
Mảng sáng của báo chí
Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, nhiều vụ án tham nhũng, nhiều vấn đề tiêu cực được đưa ra ánh sáng trong những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Không khó để liệt kê lại những “đầu việc” mà báo chí đã làm được trong cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực.
Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui, “mắt xích” đầu tiên là do báo chí phát hiện đối tượng đi xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định. Từ đó, hàng loạt sai phạm của đối tượng trong quá khứ đã được báo chí đưa ra trước ánh sáng công luận, giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý vụ việc, đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Báo chí còn có công phát hiện, điều tra, phanh phui nhiều dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng chưa đưa vào hoạt động đã thất thoát, gây lãng phí rất lớn tài sản công.

Một số vụ việc, báo chí đã đi trước và sau đó thì các cơ quan mới đi sau, vào cuộc. Vừa qua, hàng trăm vụ tham nhũng, lãng phí, quan liêu nếu không có báo chí, tôi cho rằng, trừ công an, cảnh sát, tòa án… thì người dân không biết gì cả. Với tư cách là một độc giả, tôi thấy mình được hưởng thụ rất nhiều thông tin mà báo chí mang lại. Thông qua báo chí, bức tranh chung của đất nước về kinh tế, chính trị, xã hội được thể hiện rõ nét. 90% thông tin người dân thu được thông qua báo chí. Một lần nữa tôi rất cảm ơn lực lượng báo chí đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Báo chí cũng đi đầu trong việc lên tiếng nhiều vụ “bổ nhiệm thần tốc” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương… Báo chí cũng đã vào cuộc trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm như công an, quốc phòng, xử lý các quan chức, thẳng thắn đưa tin về các vụ việc liên quan đến một số cán bộ cao cấp ở các bộ, ngành, địa phương. Nhiều tiêu cực trong một bộ phận cán bộ cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời nhờ những thông tin được phát hiện, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng: Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tha hóa, báo chí là lực lượng đi đầu, tiên phong. Đấu tranh phòng chống tham nhũng tha hóa, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đấu tranh khắc phục tình trạng quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tha hóa quan chức… chính là một trong những mảng tốt, sáng nhất, đẹp nhất của báo chí thời gian qua.
Mặc dù vẫn còn một số tờ báo, ở một số thời điểm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực theo kiểu để hút bạn đọc, tuy nhiên đó chỉ là hiện tượng chứ không phải là phổ biến. Báo chí đang đẩy mạnh tinh thần “phò chính, diệt tà”, vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của mạng xã hội để đứng vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), hiện nay báo chí đã và đang góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Chính báo chí chứ không phải là một phương tiện mạng xã hội nào khác cũng là nguồn đính chính và củng cố lại sự thật trước những thông tin “thật giả lẫn lộn”, những chuyện “nghe hơi nồi chõ” tràn lan trên mạng xã hội. Báo chí là diễn đàn có chọn lọc, có tìm hiểu, có điều tra một cách hệ thống, bài bản trước khi đăng tải những ý kiến phản ánh, phản hồi, phê phán các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực từ cơ sở.
Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra. Thực tế, nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng nhưng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội nhờ có sự đóng góp của báo chí.
Phát huy quyền lực để “trừ tà”
Nhận định về vai trò của báo chí trong xã hội, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Báo chí ngày nay được coi là một thứ “quyền lực mềm” nhưng có sức mạnh “cứng”. Cái sắc nhọn của báo chí phải gắn với trách nhiệm của người cầm bút, trách nhiệm công dân, trách nhiệm phục vụ Tổ quốc. Trong quyền lực có trách nhiệm, trong thực thi trách nhiệm phải thể hiện được quyền lực và sức mạnh của báo chí. Quyền lực không có trách nhiệm là một thứ quyền lực vô giá trị; trách nhiệm không phản ánh, thể hiện được quyền lực là một thứ trách nhiệm không đến nơi đến chốn, trách nhiệm nửa vời.
Để báo chí tiếp tục phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là trong công cuộc phòng chống tham nhũng, theo PGS.TS Bùi Đình Phong, người cầm bút có quyền và cả trách nhiệm phê bình với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” theo lương tâm của nhà báo chiến sĩ.
Nhà báo cần có dũng khí, bản lĩnh trong phê phán, phanh phui cái ác, cái xấu, cái sai, cái giả dối, những tư tưởng và hành động cơ hội, thiếu tinh thần trách nhiệm, bệnh thành tích, bệnh hình thức, các kiểu chạy chọt, luồn cúi, xu nịnh a dua, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm… Báo chí phải biết phát huy quyền lực của mình trong việc “trừ tà”.
Ngày nay, nhà báo chân chính không chỉ dám và chịu hy sinh về quyền lợi mà thậm chí còn phải hy sinh cả tính mạng để có được một thông tin chống tiêu cực có giá trị vì lợi ích của Nhân dân. Người cầm bút không có dũng khí với cái tâm trong sáng, trách nhiệm cao, không bao giờ có được những bài báo nghiêm chỉnh, chắc chắn, sắc bén. Nhà báo phải chịu trách nhiệm về những bài viết, đó vừa là trách nhiệm báo chí, vừa là trách nhiệm công dân.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, thể hiện đúng vai trò chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tiêu cực, bản thân các cơ quan hành pháp, các bộ, ngành phải công khai, minh bạch trong hoạt động. Khi công khai minh bạch, báo chí sẽ vào cuộc tham gia vào phản biện tích cực. Không chỉ những dự án mà công tác cán bộ cũng phải công khai minh bạch. Tham nhũng quyền lợi là tham nhũng nguy hại nhất.
Cùng với đó, các cơ quan cũng phải nghiêm túc thực hiện Luật Báo chí, không được ngăn báo chí tác nghiệp. Bởi theo PGS.TS Lê Văn Cương, một bài báo mà sai lầm thì tác động đến cả chục triệu người. Vì thế, nhà báo phải luôn rèn luyện đạo đức trong sáng, là một chiến sĩ dũng cảm… Nhà báo có tâm sáng, quyết đoán, có dũng khí thì chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm những vụ đặt ra, kể cả trong việc đấu tranh với những tiêu cực.