Tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại trước khi chuyển giao quyền kiểm soát Thượng viện cho đảng Cộng hòa từ ngày 3/1/2015, các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ hôm 18/11 (theo giờ địa phương) đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Mỹ với Canada.
Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada làm chủ đầu tư với tổng số chi phí xây dựng ước tính lên tới 8 tỷ USD. Nếu được xây dựng, tuyến đường ống này sẽ vận chuyển dầu thô từ Canada đi xuyên nước Mỹ tới tận các nhà máy lọc dầu ở các bang miền Nam. Trong khi đảng Cộng hòa cho rằng, việc xây dựng đường ống sẽ giúp tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới cho người dân Mỹ thì chính quyền của Tổng thống Obama kiên quyết phản đối dự án này với lý do sẽ làm ảnh hưởng đến giá dầu trong nước.
Theo các nhà quan sát, động thái đi ngược lại quyết định trước đó của Hạ viện nhưng lại phù hợp với nguyện vọng của Nhà Trắng này chắc chắn sẽ tạo nên một đợt sóng ngầm mới trên chính trường nước Mỹ.
Trên thực tế, việc Thượng viện Mỹ cùng ngày đã bác bỏ một dự luật cải cách quy mô lớn về chương trình của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trên là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Obama, người từng ủng hộ việc ngừng hoạt động thu thập các dữ liệu của công dân gây tranh cãi.
Động thái này đã chính thức tạo ra một sự đối đầu vào những tháng tới trong bối cảnh những điều khoản do thám then chốt sẽ hết hiệu lực vào giữa năm 2015. Không những thế, khi đảng Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, ông Obama sẽ phải giảm bớt tham vọng thực hiện một số quyền hành pháp mà không cần Quốc hội cho phép, để thúc đẩy những kế hoạch có thể được cả 2 đảng ủng hộ, như các thỏa thuận thương mại, cải cách thuế… đảng Cộng hòa cũng sẽ tấn công mạnh mẽ trong các vấn đề thâm hụt ngân sách, giảm bớt các quy định liên bang, buộc đảng Dân chủ chấp nhận các thay đổi lớn trong luật bảo hiểm y tế vốn được xem là thành tựu đối nội của Tổng thống Obama.
Bão đã nổi trên chính trường nước Mỹ và trở thành một thử thách đáng kể đối với khả năng thỏa hiệp của ông Obama với các đối thủ chính trị luôn phản đối chương trình nghị sự ngay từ nhiệm kỳ đầu. Để chứng tỏ tinh thần hợp tác của mình, sau khi bác dự luật xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, ông Obama đã phát tín hiệu thỏa hiệp với đảng Cộng hòa khi quyết định sẽ cho phép Tập đoàn TransCanada nộp đơn xin cấp phép lại sau khi điều chỉnh vị trí xây dựng đường ống tránh xa các khu vực nhạy cảm về môi trường ở Nebraska. Điều này cho thấy, ông chủ Nhà Trắng đã hiểu rõ những nguy cơ tác động đến việc điều hành đất nước của mình và sẵn sàng cân nhắc thiệt hơn để thực thi những chính sách đã đề ra.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
|
Nửa năm sau khi được Tổng thống Obama đề cử, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Ted Osius - nhà ngoại giao có kinh nghiệm công tác tại châu Á 25 năm làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, kế nhiệm ông David Shear. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội hồi tháng 6, ông Osius cam kết sẽ nỗ lực để mở rộng hợp tác với Việt Nam "trong các lĩnh vực như an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân và thực thi pháp luật". |