Bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ: Ưu tiên hàng đầu mùa lễ hội

Nguyễn An – Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh, những ngày đầu năm 2023, nhiều lễ hội mùa Xuân có quy mô lớn và kéo dài đã khởi động trở lại.

 Cùng với không khí khẩn trương, háo hức thì công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách được nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, Ban Tổ chức lễ hội các địa phương quan tâm, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

Thường  xuyên nhắc nhở an toàn cháy, nổ

Theo Công an TP Hà Nội, để bảo đảm an toàn phòng cháy tại các đền, chùa nơi thờ tự, các điểm du lịch tâm linh dịp Lễ hội Xuân Quý Mão đầu năm, những ngày qua lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an TP đã phối hợp với Công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về công tác này…

Hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC tại một cửa hàng ăn uống ở chùa Hương. Ảnh: Hồng Sơn
Hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC tại một cửa hàng ăn uống ở chùa Hương. Ảnh: Hồng Sơn

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội yêu cầu các cơ sở nghiêm túc chấp hành và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC như quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe…; Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; Tăng cường công tác thường trực trong thời điểm khách đến thực hiện các nghi lễ tâm linh và sau khi kết thúc công việc trong ngày; không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người có trách nhiệm từng khu vực cần chú ý dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ. Phải có kho bảo quản để bảo đảm an toàn PCCC đối với nhang, đèn cầy, vàng mã; cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn. Khi thắp hương thờ cúng phải có người trông coi. Đặc biệt là việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy.

Tại quận Hoàn Kiếm, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với UBND phường Trần Hưng Đạo và các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại khuôn viên bên trong và ngoài chùa Quán Sứ. Qua kiểm tra cho thấy, phương tiện PCCC đã được trang bị, bố trí tại các khu vực đảm bảo sẵn sàng khi có sự cố. Nhà chùa cũng đã chủ động trang bị, bổ sung thêm bình chữa cháy mới tại các vị trí dễ có nguy cơ về cháy, nổ.

Ghi nhận tại Lễ hội chùa Hương năm 2023, lễ hội có quy mô lớn và kéo dài, Công an huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC tại từng gian hàng; hướng dẫn từng gian hàng thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC, viêc sắp xếp vật tư, hàng hóa đảm bảo khoảng cách; việc sử dụng nguồn lửa, thắp hương thờ cúng đảm bảo an toàn PCCC…

Chủ động các phương án bảo đảm giao thông

Với tâm thế mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra náo nhiệt do thời gian dài hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 nên nhiều quận, huyện trên địa bàn TP như Mỹ Đức, Đông Anh, Sóc Sơn, Đống Đa… nơi có nhiều lễ hội lớn cũng đều xây dựng kịch bản chủ động cho việc đón lượng lớn du khách. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Lễ hội Cổ Loa 2023 đồng thời diễn ra cùng sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch. "Những hạn chế của các mùa hội trước cũng được chú trọng khắc phục trong dịp này. Ban Tổ chức lễ hội đã cho dẹp toàn bộ hàng quán trước khu vực cổng vào để tạo sự thông thoáng, quy hoạch bãi đỗ xe, tăng cường pano quảng bá, tuyên truyền về lễ hội…"- bà Nguyễn Thị Tám cho biết.

Đối với Lễ hội Gióng ở Đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã chủ động các kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội; tháo gỡ những khó khăn về bến bãi đỗ xe, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ.

Trên địa bàn quận Ba Đình hiện có 23 lễ hội, chủ yếu diễn ra vào dịp đầu Xuân năm mới. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin kiêm Trưởng ban Quản lý di tích quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, UBND quận đã thành lập các đoàn kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá. Đồng thời, quận cũng kiểm tra công tác quy hoạch sắp xếp hàng quán, dịch vụ nơi trông giữ phương tiện giao thông; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy, nổ; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; việc quản lý thu, chi tiền công đức, tiền lễ và các khoản thu từ lễ hội…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, với việc chuẩn bị những phương án, biện pháp, đặc biệt là chủ động xử trí các tình huống đã và đang giúp tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự mùa lễ hội 2023.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần